Hiến pháp và bầu cử
Bùi Tín
Những đạo luật, quyết định vi hiến là vô giá trị
"...đã có quá nhiều điều luật, nghị quyết của chính quyền đi ngược lại lời văn và tinh thần của Hiến Pháp ..."
Mỗi quốc gia trưởng thành đều có Hiến Pháp và các đạo luật.
Hiến pháp chỉ có một, còn luật pháp thì có hàng trăm đạo luật. Ngoài những đạo luật còn những quyết định của nhà nước, nhằm điều hành công việc của quốc gia.
Hiến pháp là bản luật cơ bản, là luật gốc, đề ra những nguyên tắc cơ bản nhất, tên gọi của quốc qia, chế độ chính trị, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc thiều những quyền hạn và trách nhiệm của công dân, hệ thống chính quyền gồm các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp…
Các nguyên tắc pháp lý phổ biến cũng như các giáo trình pháp lý tại các trường đại học ngành luật quốc tế đều ghi rõ mối quan hệ giữa Hiến pháp và luật pháp là: Hiến pháp soi đường, chỉ hướng cho pháp luật; pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp, nhưng tuyệt đối pháp luật không được vượt ra ngoài khuôn khổ của Hiến pháp, tuyệt đối không được trái với Hiến pháp, đi ngược lại với Hiến pháp. Mọi luật pháp hay quyết định nào trái với lời văn và tinh thần của Hiến pháp đều bị coi là vi hiến, vi phạm Hiến pháp, vi phạm pháp luật cơ bản của quốc gia, đều phải bị coi là phạm pháp nghiêm trọng, do đó không có giá trị, phải bị loại bỏ và kẻ đề ra phải bị xử trí nghiêm minh.
Một số giáo trình luật các nước dân chủ, như ở Pháp, Đức, Canada, để cho sinh viên dễ hiểu, gọi Hiến pháp là Luật Mẹ, pháp luật là luật Con. Do Luật Mẹ sinh ra và không được trái khoáy, ngược lại, hỗn hào với Luật Mẹ.
Trong trường hợp ấy, mọi công dân có quyền nêu lên công luận, tự mình coi là không bị ràng buộc chấp hành vì lẽ vi hiến và đòi hủy bỏ.
Ở nhiều nước, như ở Pháp - còn lập ra Viện Bảo Hiến gồm những nhân vật chính trị và luật gia có uy tín và trình độ cao nhất nước để bảo vệ Hiến pháp thật chặt chẽ, xem xét và kết luận kịp thời mọi vấn đề xuất hiện khi có dấu hiệu vi hiến, tuyên bố hủy bỏ mọi điều luật, quyết định, văn bản của mọi ngành, mọi cấp, mọi quan chức khi những văn kiện ấy trái với lời văn hoặc tinh thần của Hiến pháp.
Ở nước ta đang có không khí khá sôi nổi bàn về cuộc bầu cử quốc hội ngày 20/5/2007 sắp tới. Cái mới của năm nay là nhiều người gồm các nhà trí thức, luật gia, đảng viên cộng sản, cán bộ lão thành, tuổi trẻ, thành viên mặt trận Tổ quốc, đại biểu quốc hội đương nhiệm, nhà báo, nhà văn, trong nước, ngoài nước, trên báo, trên mạng, trong nhiều cuộc họp, ngay trong các buổi hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc… không ngừng lên tiếng với nhiều ý kiến ngay thẳng, phong phú.
Đây là dấu hiệu lành mạnh so với sự im lặng, sợ sệt, nhẫn nhục hay tiêu cực trước kia, biết là sai mà không dám nói, biết là trái với Hiến pháp, với luật pháp, với đạo lý mà cứ ngậm miệng. Trong thời mở cửa, khi nước ta đã vào WTO, làm quen dần với nếp công khai, minh bạch, đúng theo luật, trong trí thức, cán bộ nghiên cứu, nhà báo, luật gia…đã và đang nổi lên nhiều ý kiến mạnh dạn, có tầm sâu, có lập luận, sát với thời đại. Đối với cuộc bầu cử Quốc hội 20 tháng 5 sắp tới, họ đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề thiết thực và lý thú trứơc chính quyền và công luận, như:
- Số đại biểu quốc hội, cơ cấu và phân chia số lượng; số đảng viên chiếm 90% (450 trên 500) có thỏa đáng không? Hạ xuống là 80 % 400/500) đã thỏa đáng chưa? Có người yêu cầu hạ xuống là 2/3 (333/500); cũng có ý kiến đặt vấn đề số đảng viên là trên 2 triệu, tổng số cử tri là 50 triệu, chỉ bằng 4% cử tri mà chiếm tới 66% ghế thì có hợp lý không. Lại có ý kiến số đảng viên chỉ nên chiếm một nửa số đại biểu, hay 51% (255/500) là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Ý kiến này cho rằng trong số hơn 45 triệu cử tri ngoài đảng vẫn có thừa nhân tài đủ tiêu chuẩn để tham gia cùng 255 đại biểu là đảng viên. Vậy ai sẽ đứng ra giải quyết những con số và tỷ lệ như thế?
- Có người nêu vấn đề bao quát hơn là: đã đến lúc cần xác định quốc hội của ta là quốc hội của đảng hay là quốc hội của dân, nhằm phục vụ đảng hay phục vụ dân? Từ trước đến nay quốc hội là do đảng, của đảng, vì đảng; nay muốn quốc hội là của dân thì phải thay đổi hẳn cung cách bầu cử, để đông đảo cử tri thật sự tự do ứng cử, tự do tranh cử, có chương trình hành động rõ ràng và để cử tri thật sự tự do lựa chọn bằng lá phiếu tự do của mình. Chính nhà toán học Phan Đình Diệu nhận định công khai rằng "trên thực tế quyền ứng cử của công dân đã bị đảng thủ tiêu".- Có người hoài nghi vai trò của Mặt trận Tổ quốc vì là do đảng dựng lên, không đủ tư cách và trình độ để tuyển lựa nhân tài, tổ chức của mặt trận đầu to (ở trung ương), giữa bé, đuôi quắt lại (không có chân rết ở thôn xã) làm sao bao trùm tình thế quốc gia để đảm nhiệm công việc trọng đại như thế. Xưa nay, mặt trận đã giới thiệu được người nào ? hay vẫn là đảng chỉ tay, mặt trận vỗ tay, quốc hội dơ tay, và dân trắng tay?
- Lại còn vấn đề cơ cấu, sao trong quốc hội có trách nhiệm lập pháp là chính lại đưa vào gần như toàn bộ chính phủ, từ thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng, tổng cục trưởng, cả đến tổng thanh tra chính phủ, chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát tối cao đều là "ông bà nghị’’ tuốt mo, vừa đá bóng vừa thổi còi, tự mình kiểm tra mình, xét xử mình, bênh vực mình để… hòa cả làng, chỉ có dân là thiệt đủ mọi đường.
- Cũng có nhà báo yêu cầu chấm dứt kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", tự nhiên có người không biết mô tê ra sao được đảng chọn "cho làm" cũng là "bắt làm" ông bà nghị, do đó không hề có ý muốn, không hề tự làm đơn ra ứng cử, để rồi làm nghị gật theo đúng nghĩa, và suốt nhiệm kỳ không phái biểu một câu nào, một ý nào, cũng không gặp riêng một cử tri nào để thu nhận nguyện vọng hay tìm hiểu tâm tư của cử tri. Mà có hàng mấy trăm ông bà nghị vô duyên như thế đó. Ông Mười Hương đảng viên cộng sản lão thành, hơn 60 tuổi đảng, than rằng "như thế này vẫn chỉ tạo nên những nghị gật"!
- Một số ý kiến nêu lên tình hình gay cấn hiện nay là kỳ bầu cử này diễn ra trong bối cảnh mới - nhận thức xã hội đã khác trước khá nhiều theo hướng dân chủ hóa, sức ép quốc tế cũng mạnh hơn trước theo hướng tự do hóa và yêu cầu phải thuận theo luât quốc tế, nên không thể làm như cũ được nữa. Nhưng nếu phải làm khác trước thì phải làm ra sao? Ai đứng ra gỉải quyết. Đảng vẫn bao biện làm thay dân ư? Quốc hội khóa 11 có còn họp một phiên cuối nữa không? Và chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày bầu cử rồi. Làm như cũ thì vẫn chỉ là quốc hội của đảng, do đảng, vì đảng, dân không còn chịu nổi, thế giới cũng không còn ngửi nổi, mà chuyển hẳn sang cách làm mới thì 2 tháng không thể chuyển nổi. Cứ làm ẩu cho xong thì đất nước lại sa lầy trong 5 năm nữa hay sao? Hay là đành phải hoãn 6 tháng hay 1 năm? Đâu là thượng sách đây?
Thế nhưng có một vấn đề cấp bách nhất liên quan đến Hiến pháp và bầu cử. Đó là cần hủy bỏ không chậm trễ những quyết định vi hiến.
Hiến pháp qui định mọi công dân có quyền tự do lập hội (lập đảng phái), tự do báo chí, thì luật và các quyết định của nhà nước chỉ được phép cụ thể hóa việc thực hiện các quyền ấy cho mọi công dân, chứ không được phép ngáng trở công dân thực hiện đầy đủ các quyền ấy.
Do đó việc thành lập các tổ chức, đảng, đoàn, liên minh, hiệp hội đều là hợp Hiến và phải được coi là hợp pháp như Đảng Nhân dân Hành động, Đảng Thăng tiến, Đảng Dân chủ Việt nam, Đảng Vì dân, Tập họp Thanh niên Dân chủ, Liên minh Dân chủ và Nhân quyền, Hội dân oan, Hội người yêu nước, Hiệp hội tù nhân chính trị, Công đoàn Việt nam Độc lập...cũng như các đảng từng chống thực dân Pháp như Quốc dân đảng do nhà ái quốc Nguyễn Thái Học thành lập, đảng Đại Việt, Đảng Duy Dân nay có yêu cầu hoạt động lại trong nước trên tinh thần dân tộc và yêu nước, bất bạo động, cùng ganh đua bình đẳng với đảng Cộng sản, cùng nhau phục vụ lợi ích của dân tộc và nhân dân.
Đảng Cộng Sản không hề được nhân dân bầu ra, tự vỗ ngực là có quyền môt mình cai trị mãi mãi đất nước, tự đặt ra Điều 4 trong Hiến Pháp không qua trưng cầu ý dân, là sự tham nhũng quyền lực trâng tráo, vi hiến, phạm pháp và trái đạo lý, một sự lộng hành quyền lực cần chấm dứt. Đây là hiện tượng bôi nhọ hình ảnh quốc gia, làm nhục nhân dân Việt Nam, làm cho Liên Hợp Quốc năm nào cũng xếp nước ta vào loại tận cùng của 192 nước về quyền dân chủ (VN không ở trong 97 nước dân chủ, cũng không ở trong 53 nước có ít nhiều tự do - partly free, mà ở trong hạng cuối của 42 nước độc đoán).
Vừa qua đã có quá nhiều điều luật, nghị quyết của chính quyền đi ngược lại lời văn và tinh thần của Hiến pháp đã khẳng định quyền lập hội và quyền tự do báo chí, do đó người dân có quyền coi đó là những văn kiện vi hiến, không hợp pháp, không có giá trị cưỡng chấp đối với xã hội.
Chính vì lẽ trên những người đứng ra thành lập và tham gia các tổ chức trên, cũng như những người tổ chức trên mạng, in ấn, phát hành và truyền nhau các tờ báo Tự do Ngôn luận, Tiếng nói Dân chủ, Tổ Quốc … cũng tự coi là việc làm hợp Hiến phải được chính quyền bảo vệ.
Ngay như quyết định và lời nói của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc trả lời trực tuyến không cho phép tư nhân ra báo và làm xuật bản cũng là quyết định vi Hiến, trái ngược với Hiến pháp, hỗn hào với Luật Mẹ, không xứng đáng với cương vị thủ tướng, người lẽ ra phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện Hiến pháp.
Hơn lúc nào hết, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và luật pháp, thượng tôn các Tuyên Ngôn Quốc tế và Công ước Quốc tế về Nhân quyền phải được toàn dân và trước hết là giới cầm quyền biểu hiện rõ ràng và triệt để mọi nơi mọi lúc. Mọi quyết định và hành động vi phạm quyền công dân phải được chấm dứt. Quốc Hội khóa 12 - ngay từ khi được thai nghén - phải biểu thị rõ rệt yêu cầu cháy bỏng ấy của đông đảo công dân nước ta, cũng là yêu cầu mạnh mẽ của bè bạn khắp nơi trên thế giới, - mà hầu hết là những nước theo chế độ dân chủ đa đảng, của các nước đầu tư và viện trợ lớn nhất, cũng đều là những nước dân chủ đa đảng .
Paris 8/3/2007.
nguon
http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1637
Nguồn: báo Tổ Quốc, số 13 (15/3/2007)
------
Trang liên hệ
· Đọc thêm về Dân Chủ & Phát Triển
Bài được đọc nhiều nhất trong Dân Chủ & Phát Triển:
Góp ý về "Chiến lược phát triển kinh tế , xã hội 2001 - 2010" (Nguyễn Thanh Giang)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire