1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

lundi 19 mars 2007

''Nô bộc'' của dân phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu vi phạm nhân quyền

''Nô bộc'' của dân phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu vi phạm nhân quyền

VI PHẠM NHÂN QUYỀN, CÁC VIÊN CHỨC VÀ THUỘC HẠ CÔNG QUYỀN TRỰC TIẾP CHỊU TRÁCH NHIỆM
NGUYỄN HỌC TẬP

Ts. Nguyễn Học Tập

"Các viên chức, thuộc hạ cơ chế Quốc Gia và thuộc hạ các cơ quan công quyền có trách nhiệm trực tiếp theo hình luật, dân luật và luật hành chánh về các hành động vi phạm các quyền của con người. Trong các trường hợp vừa kể, trách nhiệm dân sự liên hệ đến cả cơ chế Quốc Gia và các cơ quan công quyền" (Điều 28, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Chúng tôi vừ trích dẫn điều 28 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc về mối liên hệ trách nhiệm của các viên chức và thuộc hạ công quyền Quốc Gia đối với người dân trong khi hành xử quyền lực Quốc Gia của mình.

Ai trong chúng ta cũng biết Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức (CHLBD) là hai Hiến Pháp thoát xuất từ kinh nghiệm độc tài hãi hùng của chế độ độc tài Mussolini và Hitler. Bởi đó người Ý và người Đức viết Hiến Pháp
- không phải viết để mà viết,
- càng không chỉ viết để nói lên phương thức tổ chức cơ chế Quốc Gia,
- mà viết để xác định lý tưởng ( hay thể chế ) nền tảng để tổ chức Quốc Gia, để đưa ra các phương thức bảo vệ con người và bảo vệ lý tưởng trong đó con người ở địa vị tối thượng và trung tâm điểm của tổ chức Quốc Gia,
- để xác định các phương thức giới hạn công quyền, quy trách và bắt buộc công quyền phải tạo điều kiện thích hợp để con người được phục vụ.
Tất cả các mục đích khác đều quy chiều để bảo chứng cho con người.
Đó cũng là những gì được Gs Giovanni Sartori, một nhà chính trị học lỗi lạc của Ý Quốc xác nhận:

- "Hiến Pháp được người dân Tây Âu hiểu đồng nghĩa với một văn bản bảo chứng (garantismo). Ở Tây Âu người dân đòi buộc phải có Hiến Pháp, nếu muốn thiết lập Quốc Gia. Hiến Pháp đối với họ là một văn bản luật pháp nền tảng, hay một loạt các nguyên tắc căn bản, thể hiện một thể chế tổ chức Quốc Gia, nhằm giới hạn mọi cách xử dụng quyền hành tự tung tự tác tùy hỷ và bảo đảm một Chính Quyền có giới hạn" (Giovanni Sartori, Elementi di teoria politica, III ed., Il Mulino, Bologna 1995, 18).

Hiến Pháp là một văn bản bảo chứng, bảo vệ con người.

Đặc tính bảo chứng đó được các Hiến Pháp Tây Âu nghĩ ra nhiều phương thế để thực hiện, chúng tôi đã có dịp đề cập đến một số bài viết trước đây,
- từ việc xác nhận phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của con người ở vào địa vị tối thượng và trung tâm điểm của thể chế nền tảng xây dựng Quốc Gia, đặt con người và các quyền bất khả xâm phạm của con người vào những điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp (từ điều 2-54, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc; từ điều 1-19 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, CHLBD).
- tuyên bố các điều khoản về nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người như là những đạo luật có đặc tính mệnh lệnh tính (préceptives), bắt buộc phải thi hành, chớ không phải chỉ là những lời tuyên bố nguyên tắc (principes) hay những lời tuyên bố có tính cách là chương trình hành động ( programmatiques).
- quy trách đích danh cho cơ quan nào là chủ thể phải chịu trách nhiệm, khi một quyền căn bản của con người bị xúc phạm,
- dùng các hình thức hạn chế cho luật pháp (riserva di legge), hạn chế tăng cường đối với luật pháp (riserva rinforzata di legge) và hạn chế tuyệt đối dành cho tư pháp ( riserva assoluta al potere giudiziario).
- quy trách cho cơ chế Quốc Gia không những dưới hình thức tiêu cực (liberté de...), mà còn đòi buộc Quốc Gia tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được hưởng các quyền tự do của mình dưới hình thức tích cực ( liberté à...), và người dân được cơ chế Quốc Gia trợ lực ( liberté par moyen de...) để có thể phát triển hoàn hảo con người của mình và góp phần thiết thực xây dựng đất nước.
Những phương thức bảo chứng vừa kể, chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong một số bài viết trước đây, cfr :
- Nhân Phẩm Con Người trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ;
- Tự do Cá Nhân trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ;
- Quốc Hội CHLBD, cơ chế chống độc tài và bất ổn;
- Quốc Hội và Chính Quyền trong Hiến Pháp Dân Chủ;
- Viện Bảo Hiến CHLBD, cơ chế tối cao bảo vệ con người...
Hiểu như vậy, chúng ta thấy được đạo luật vừa được trích dẫn được các nhà soạn thảo Hiếp Pháp 1947 Ý Quốc xem là điều khoản luật kết thúc, sau những phương thức đề phòng và cảnh cáo, tuyên án phạt các lối hành xử làm tổn thương đến các quyền bất khả xâm phạm của con người:

- "Các viên chức, thuộc hạ Quốc Gia và thuộc hạ các cơ quan công quyền có trách nhiệm trực tiếp theo hình luật, dân luật và luật hành chánh...trách diệm dân sự liên hệ đến Quốc Gia và các cơ quan công quyền".

A - Một ít dòng lịch sử.

Điều 28 vừa được trích dẫn lại của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc là kết quả của khá nhiều đồ án được trình bày trước đó trong thời gian soạn thảo:
- điều 22 của Đồ Án đề nghị: "các viên chức Quốc Gia có trách nhiệm theo tinh thần của hình luật, dân luật, về những hành động gian trá hay phạm pháp xúc phạm đến các quyền tự do được Hiến Pháp hiện hành bảo vệ. Tổ chức Quốc Gia đáp ứng liên đới với viên chức về các thiệt hại gây nên".
- dân biểu Basso, thuộc chi bộ của Ủy Ban I cho biết: "Các vị soạn thảo Hiến Pháp có ý thiết định một đạo luật kết thúc về việc bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm, được Hiến Pháp xác định, chống lại bất cứ một sự vi phạm nào có thể xảy ra, không những chỉ đối với các hành vi gian trá, mà cả những hành vi lỗi phạm do nhân viên công quyền gây ra, bảo vệ đối với mọi quyền con người được Hiến Pháp xác nhận" (Atti dell'Assemblea costituente, Prima Sottocommissione, p. 158s).

Đây không phải là một đạo luật tổng quát về trách nhiệm các viên chức công quyền, mà là một đạo luật đặc biệt nêu lên trách nhiệm hình sự trước tiên, rồi kế đến là trách nhiệm dân sự, để bảo vệ các quyền được Hiến Pháp xác nhận ( Alessi Renato, La esponsabilità della pubblica amministrazione nell'evoluzion legislativa più recente, (Rass. dir. pubbl., 1949, 224).

Qua những ý kiến được đề thảo vừa kể, Ủy Ban soạn thảo (Ủy Ban Bảy Mươi Lăm, i Settantacinque), loại bỏ hai tỉnh từ " gian trá hay phạm pháp" của điều 22 được đề nghị với Ủy Ban, vì cho rằng:
"ý nghĩa của hai tỉnh từ vừa kể trở thành dư thừa, bởi vì " khi nói đến sự xâm phạm các quyền của con người", là đề cập đến bất cứ trạng thái chủ thể nào của việc vi phạm, không cần phải chuẩn định nặng nhẹ tùy theo trạng thái tâm lý khác nhau của các chủ thể can phạm" ( Atti dell'Assemblea Costituente, id. ).

Sau những ý kiến vừa được tiếp nhận, Ủy Ban Soạn Thảo ( I Settantacinque) viết lại đạo luật của điều 28 như sau:
- "Các thuộc hạ của cơ chế Quốc Gia và cơ quan công quyền tự chính họ ( personalmente) có trách nhiệm theo hình luật, dân luật và luật quản trị đối với những hành động xâm phạm đến các quyền của con người. Cơ chế Quốc Gia và các cơ quan công quyền bảo đảm việc bồi thường về các thiệt hại do thuộc hạ mình gây nên" ( La Costituzione della Repubblica nei lavori preparatori, dell'Assemblea Costituente, I, p. 722s).

Và Thượng Nghị Sĩ Nobili giải thích thêm như sau:
- "...cơ chế Quốc Gia và các cơ quan công quyền, vì không thể là chủ thể vật thể ( persona fisica), mà chỉ là chủ thể luân lý ( ente morale), không thể hành động, nếu không qua trung gian của các thuộc hạ mình...Bởi đó khi các thuộc hạ của Quốc Gia hay cơ quan công quyền thiếu trách nhiệm hay gây thiệt hại cho người khác vì lầm lẫn hay hành xử gian dối, đó chính là Quốc Gia thiếu bổn phận hay hành xử gian dối đối với người dân. Bởi đó Quốc Gia phải đứng ra trang trải, đến bù thiệt hại..." ( La Costituzione delle Repubblica, id., 919).

Và ông còn cho biết thêm:

"Trách nhiệm cá nhân và trực tiếp là trách nhiệm của thành viên thuộc hạ..., là trách nhiệm tiên khởi bởi đó cần phải được kỳ vọng phải có trước tiên (đối với thành viên thuộc hạ cơ chế Quốc Gia và cơ quan công quyền). Quốc Gia can thiệp tiếp theo, và trách nhiệm của Quốc Gia là trách nhiệm phụ túc hỗ tương (sussidiaria)" (La Costituzione della Repubblica, id., 920).
Nhiều ý kiến đóng góp vừa kể cho phép Ủy Ban Soạn Thảo đúc kết thành điều 28 mà chúng ta trích dẫn ở đâu bài.

B - Nội dung của đạo luật.

Là một đạo luật quy tựu và đúc kết nhiều yếu tố trong hai câu văn khá ngắn gọn với lối viết tượng hình (geroglifico).
Do đó muốn thấy rõ được bao nhiêu ý nghĩa hàm chứa bên dưới, chúng ta cần " tháo gở " để làm sáng tỏ nội dung súc tích và liên hệ nhau được chứa đựng.
Đọc lại bản văn của đạo luật, chúng ta có thể ghi nhận được các yếu tố sau đây:

- các viên chức hay thuộc hạ có trách nhiệm trực tiếp,
- trách nhiệm hình luật, dân luật và luật hành chánh,
- theo luật lệ xác định,
- vi phạm các quyền của con người,
- trách nhiệm dân sự liên hệ đến cả cơ chế Quốc Gia và cơ quan công quyền, trong các trường hợp đó.

Chúng ta có thể giải thích điều khoản luật vừa kể với những lời lẽ đơn sơ như sau:
- " Một thành viên thuộc hạ công quyền bằng các hành động (tác động cụ thể vật chất hay bỏ qua, thiếu sót bổn phận cũng vậy ) trong khi hành xử phận vụ của mình xúc phạm đến một quyền của người dân (làm cho người dân bị thiết hại về thể chất , tinh thần cũng như danh dự của mình), phải chịu trách nhiệm hình sự và do đó đồng thời cũng có trách nhiệm dân sự và theo luật hành chánh".

Trương độ, nồng độ và phương thức áp dụng hình phạt đối với trách nhiệm vừa kể được hình luật, dân luật và luật quản trị thiết định, "theo luật lệ xác định", sẽ đưa đến phương thức thi hành phải có.
Ngoài các hậu quả hình luật phải có, thành viên thuộc hạ can phạm của công quyền còn có trách nhiệm dân sự, trách nhiệm phải bồi thường vật chất luật lệ ấn định.
Ở lãnh vực dân sự, Hiến Pháp xác định rằng bất cứ vì một lý do nào đó mà sự bồi thường thiệt hại vượt quá khả năng của cá nhân đương sự, cơ chế Quốc Gia hay cơ quan mà thành viên tùy thuộc có bổn phận liên đới với đương sự, trong việc bồi thường, hoàn trả cho nạn nhân bị thiệt thòi.

Làm tổn thương đến quyền người dân không phải là trường hợp hiếm có xảy ra trong mối tương quan luật pháp giữa cơ quan công quyền và người dân.
Nhưng chắc chắn không phải bất cứ một vi phạm nào của cơ quan công quyền cũng là vi phạm với hậu quả hình sự, nhưng gần như chắc chắn bất cứ một sự vi phạm nào cũng có liên quan đến hậu quả dân sự, cả việc thiếu bổn phận phải chu toàn của nhân viên công quyền, làm cho người dân bị thiệt thòi.

Hiến Pháp cũng không thể có thái độ không tưởng, phát hoạ những đồ án tổ chức Quốc Gia trong đó không có một giới chức công quyền nào sai lỗi.
Thực tế hơn, cần tìm được phương thức sửa chữa, dựa trên những yếu tố cấu trúc, trên đó Quốc Gia được xây dựng.
Và yếu tố cấu trúc nền tảng đầu tiên, trên đó một Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ được xây dựng, là địa vị và các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người.
Điều đó giải thích tại sao Hiến Pháp 1949 CHLBD đặt nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người ngay ở điều khoản đầu tiên và tiếp tục liệt kê, tuyên bố như là những đạo luật bắt buộc phải thực thi ( préceptives) trong suốt 19 điều khoản kế tiếp:

- "Phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó.
Như vậy dân tộc Đức nhận biết các quyền bất khả xâm phạm và bát khả nhượng của con người là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hoà bình và công chính trên thế giới.
Các quyền căn bản được kể sau đây là những quyền bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp" ( Điều 1 Hiến Pháp CHLBD).

Cũng vậy Hiến Pháp 1947 Ý Quốc xác nhận:
- "Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi người phát triển nhân cách của mình và đòi buộc các bổn phận không thể thiếu liên đới trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội" ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)
Và kế đến Hiến Pháp 1947 tiếp tục tuyên bố nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người như là những điều khoản luật thực định ( lois positives) có hiệu lực bắt buộc trong suốt trên 50 điều khoản kế tiếp, đến điều 54, trước khi xác định phương thức tổ chức Quốc Gia từ điều 55 trở đi.
Đặt điều 28 đang bàn trong nhãn quang vừa kể, chúng ta hiểu đươc tầm quan trọng của đạo luật.

Điều 28 là điều luật Hiến Pháp nhằm bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, nằm giữa các điều 1-54, tuyên bố một phương thức bảo vệ con người, chớ không phải là một đạo luật bàn đến vai trò và trách nhiệm của các cơ quan công quyền một cách tổng quát, trong phần dành cho tổ chức công quyền ( điều 55 - 110).
Hơn nữa, đạo luật 28 quy trách trách nhiệm trực tiếp cho cá nhân những ai hành xử công quyền xúc phạm đến phẩm giá, quyền và tự do của người dân, trước khi đề cập đến trách nhiệm liên đới hay trách nhiệm " phụ túc hỗ tương " của các cơ quan công quyền mà đương sự thuộc hệ:

- "Các viên chức, thuộc hạ Quốc Gia và thuộc hạ các cơ quan công quyền có trách nhiệm trực tiếp..."

Và rồi để nói lên tính cách quan trọng của đạo luật được tuyên bố, chống lại mọi xúc phạm đến nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người, Hiến Pháp nêu lên cả ba lãnh vực luật pháp mà viên chức thuộc hạ công quyền có trách nhiệm trực tiếp phải gánh lấy hậu quả, khi hành xử coi thường, chểnh mãng thiếu trách nhiệm hay cậy tài ỷ thế " tác oai tác quái " hành động xúc phạm, làm tổn thương đến quyền và địa vị của người dân:

- "...thuộc hạ các cơ quan công quyền có trách nhiệm trực tiếp theo hình luật, dân luật và hành chánh...", tức là phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi xúc phạm con người của mình đối với người dân, đối với mọi lãnh vực của tư pháp.
Nói cách khác, qua hành động xúc phạm con người của nhân viên công quyền, trong trường hợp được hình luật, dân luật và luật hành chánh xác nhận, đương sự phải đứng ra trực tiếp chịu trách nhiệm về hành động xâm phạm và tha hóa con người của mình, kể cả trường hợp bỏ qua.

Hậu quả đó đương sự có thể bị bắt ở tù và xuống cấp hay bị sa thải khỏi nhiệm sở; lột lon,giáng cấp cấp nếu là thành phần quân đội và bán nhà, " bán vợ, đợ con " để đền bù thiệt hại cho người dân:
"... thuộc hạ cơ quan công quyền có trách nhiệm trực tiếp..., dân luật, ...".
Chỉ khi nào đương sự được Quốc Gia và cơ quan công quyền xác nhận không có khả năng trang trải nổi, để tránh cho nạn nhân khỏi bị thiệt thòi, điều 28 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc mới đòi buộc cơ chế Quốc Gia và cơ quan công quyền trợ lực trang trải, trong tinh thần " phụ túc hổ tương":

- "Trong các trường hợp đó, trách nhiệm dân sự liên hệ đến cả cơ chế Quốc Gia và các cơ quan công quyền".
(Fabbio Merusi e Marcello Clarich, Commentario della Costituzione art.28, in G. Branca, Zanichelli, Bologna - Roma 1991, 361-370)
Trên thực tế, các quyền bất khả xâm phạm của con người và người dân đó là những quyền nào, mà đụng chạm đến đó, nhân viên công quyền ( bất cứ ở đẳng cấp nào cũng vậy, từ vị Tổng Thống, dân biểu, bộ trưởng, sĩ quan, lính quèn cho đến đổng lý văn phòng, thư ký cạo giấy và cả nhân viên hốt rác cũng vậy), phải tự mình trực tiếp lãnh nhận trách nhiệm hình luật, dân luật và luật hành chánh khi xúc phạm đến nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của người dân?

Chúng tôi không có tham vọng liệt kê đầy đủ hoàn toàn và kết thúc các quyền bất khả xâm phạm của con người, bởi lẽ là một danh sách còn đang mở rộng, mà các tổ chức nhân quyền vẫn tiếp tục khám phá ra thêm.
Quyền được bảo vệ môi sinh chống bụi bậm, thán khí dơ bẩn, tiếng động vượt quá một vài mức độ của decibel, nước uống và thức ăn không bị ô nhiểm, pha trộn, biến chất, nhiểm độc có thể sinh bệnh hoạn...là những quyền được thêm vào danh sách không lâu nay ( Grossi P.F., Introduzione ad uno studio sui diritti inviolabili nella Costituzione Italiana, Cedam, Padova 1972, 176-177).

Tuy vậy, dựa vào danh sách những gì Hiến Pháp 1949 CHLBD ( 1- 19) và Hiến Pháp 1947 Ý Quốc ( 2-54) liệt kê, chúng ta có thể ghi lại các quyền được Hiến Pháp xác nhận sau đây, quyền
- bình đẳng trong địa vị xã hội và trước pháp luật,
- tự do cá nhân, bảo toàn mạng sống và toàn vẹn thân thể,
- tự do gia cư,
- tự do và bí mật thư tín,
- tự do di chuyển, xuất ngoại và trở về quê quán,
- tự do hội họp,
- tự do lập hội và gia nhập hội,
- tư do ngôn luận và truyền bá tư tưởng,
- tự do tín ngưỡng, tự do tuyên xưng và truyền bá niềm tin của mình dưới mọi hình thức, tự do cử hành phụng tự ở nơi riêng tư cũng như công cộng.
- tư do được bảo đảm pháp lý, khởi tố, được biện hộ và bênh vực trong mọi tiến trình và đẳng cấp của phiên xử, cả đối với những ai không có phương tiện.
- quyền công dân và quyền tên họ được tôn trọng,
- quyền bảo đảm sức khoẻ, quyền làm việc, quyền tư hữu, tự do sáng kiến trong kinh tế, đình công, được bảo đảm an ninh xã hội, về hưu, bệnh tật, tàn tật,
- bầu cử và ứng cử, quyền được bình được thu nhận vào các lãnh vực công quyền.
- quyền con người được tỵ nạn, nếu các quyền căn bản con người của họ không được thực thi trên quê hương họ,
- hình phạt không thể nào gồm những phương thức đối xử vô nhân đạo.
- không thể chấp nhận mọi cuộc tra tấn, ngược đải, doạ nạt trên thân xác cũng như tinh thần.
- quyền được dành mọi dễ dãi về luật pháp cũng như tài chánh để gia đình được thành lập,
- quyền và bổn phận giáo dục con cái và quyền được Quốc Gia trợ lực nuôi nấng và giáo dục con cái, nhứt là đối với phụ huynh thiếu khả năng...
Đối với những quyền vừa được liệt kê ( từ điều 2-54 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), mọi xúc phạm, cản trở hay thiếu trách nhiệm do hành động của viên chức Quốc Gia hay thành viên thuộc hạ cơ quan công quyền đều mang theo hậu quả hình luật, dân luật và luật hành chánh mà viên chức hay thuộc hạ đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm ( Grossi P.F., op.cit., 177; Galopini Annamaria, La responsabilità dei dipendenti, Giuffré, Milano 1968, 180).

Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ của thiên hạ là vậy.
Chừng nào Hiến Pháp tương lai của chúng ta có được một điều khoản tương tợ để cảnh cáo, tát vào mặt bọn công an hung hăng hồng hộc
- ủi sập nhà thờ Tin Lành ở Sàigòn và ập vào tư gia chữi bới, đánh đập, đả thương, bắn giết, bắt bỏ tù "bọn Tin Lành", chỉ vì "tụi nó " hợp nhau để đọc Phúc Âm và thờ phượng Chúa;
- bắt " trấn nước mụ Úa" ở Kiên Giang, vì "con mẻ" cứ lãi nhãi đòi lại đất đai của "con mẻ",
- bao vây và ập vào Toà Giám Mục Huế, tịch thu máy vi tính và điện thoại của Linh Mục Lý, chỉ vì "tên Linh Mục" đó đòi quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận?
- đâp phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi ( Pietà) của Giáo Phận Phát Diệm, chỉ vì tụi nó là công giáo, còn tụi tao vô thần, vô đạo và vô liêm sĩ.
Cuộc sống văn minh cho dân tộc, không phải chỉ tuyên bố Dân Chủ hay Dân Chủ XHCN mà có, mà còn phải tiền liệu được các điều khoản Hiến Pháp và Luật Pháp bắt buộc phải tôn trọng Nhân Bản và Dân Chủ:
- "Các viên chức thuộc hạ Quốc Gia và thuộc hạ các cơ quan công quyền có trách nhiệm trực tiếp theo hình luật, dân luật và luật hành chánh về các hành động vi phạm các quyền bất khả xâm phạm của con người...".

Aucun commentaire: