1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

lundi 26 mars 2007

Từ Đại Hội đến Quốc Hội (I)

Từ Đại Hội đến Quốc Hội (I)


Minh Võ


Bằng giờ năm ngoái đại hội X của đảng Cộng Sản Việt Nam đang kéo chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Trước đó nhiều tháng nhà cầm quyền đã chuẩn bị ráo riết mọi mặt để bảo đảm sự thành công của đại hội theo một kế hoạch quy mô. Những hội nghị trung ương đảng 13, 14, rồi 15 liên tục làm việc khẩn trương.

Một cuộc thi đua rộng khắp các học đường, xí nghiệp, nông trường nhằm chào mừng đại hội.

Một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn được phát động để đề cao lãnh tụ và thành tích “đổi mới” trong 20 năm qua.

Những cuộc triễn lãm quy mô tốn kém tại viện bảo tàng Cách Mạng và tại số 2 Hoa Lư với bức chân dung vĩ đại của ông Hồ mà bên cạnh hay bên trên không thấy ảnh những lãnh tụ có râu (!). Một điều khá lạ, khiến các quan sát viên ngoại quốc chú ý. (Nhưng khi đến trụ sở đại hội thì những khuôn mặt có râu vẫn lồ lộ ở đó.)

Đùng đùng cho nổ vụ PMU18 hòng kéo sự chú ý của dư luận khỏi những vấn đề nhức nhối từ 2 năm trước là các vụ T4 và Tổng Cục 2.

Đặc biệt là ngay giữa quảng trường Ba đình một sân khấu hoành tráng vô hình được dựng lên. Trên đó các danh hài chế độ đua nhau trình diễn màn hài kịch “Góp Ý” rất ăn khách. Khách quốc nội lẫn khách hải ngoại! (Về màn bi hài kịch này, trong bài Con Tố Cha Vợ Tố Chống đăng trên DCVOnline từ ngày 30/3/2006, chúng tôi đã tiên đóan kết quả vừa khôi hài vừa mỉa mai vừa tất nhiên của nó, và đã bị một số bạn đọc chỉ trích.)

Không cần biết là do bên ngoài hiếu kỳ tự động tìm đến, hay do bên trong vận động, mời mọc mà “ngẫu nhiên” người ta thấy những nhân vật Trung Cộng như Cẩm Duệ, Trung Đức Duy, Tào Cương Xuyên, Từ Đôn Tín .... lảng vảng chung quanh Ba đình, trước khi phái đoàn hạ viện Mỹ do chủ tịch Dennis Hastert lãnh đạo tới. Rồi sau khi ông Vua tân thời Hồ Cẩm Đào của dân các chú Con Trời bắn tiếng “Phan Van Khải phải được thay thế bằng Nguyễn Tấn Dũng”, ngay cả trước khi Dũng được bầu vào bộ Chính Trị, thì tay trùm tư bản Mỹ Bill Gates, tỷ phú số một của hành tinh cũng chợt đảo qua Hà Thành và Sài Thành để được ca tụng và nêu gương cho giới trẻ Việt Nam nuôi chí lớn. Có nên kể thêm sự có mặt của phái đoàn ngoại giao của Hiệp Hội Châu Âu do bà Benita Ferrero cầm đầu nữa không?

Số lượng tin tức và cách thức loan tin về tất cả những sự việc trên làm lu mờ một biến cố quan trọng từ phía các nhà đấu tranh cho Dân Chủ Tự Do: Sự ra đời của bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ chỉ mười ngày trước đại hội đảng, mang chữ ký của 118 người để rồi trở thành khối 8406, với hàng ngàn đoàn viên.

Đó là những việc cách nay một năm.

Đảng đã chuẩn bị kỹ cho đại hội. Vì đại hội là của đảng.


Cái gọi là Quốc Hội này cũng là của đảng
Nguồn: richmond.edu
--------------------------------------------------------------------------------

Năm nay đảng cũng chuẩn bị kỹ cho Quốc Hội, vì, mỉa mai và nghịch lý thay, cái gọi là Quốc Hội này cũng là của đảng. Của đảng, vì tất cả 500 đại biểu sẽ phải là đảng viên (khoảng 90%) hoặc do đảng chọn (khoảng 10%) thông qua Mặt trận Tổ Quốc là tổ chức ngoại vi của đảng. Đã có một cuộc hiệp thương để phân phối số đại biểu dành cho từng tổ chức, đoàn thể...mặc dù một vài nhà trí thức đã thức tỉnh hay bớt sợ phần nào đã lên tiếng phê bình, nhắc nhở, cảnh cáo:

Hiệp thương để thỏa thuận phân phối số ĐBQH (đại biểu Quốc Hội) cho các cơ quan và tổ chức thuộc hệ thống chính trị trước khi tiến hành bầu cử là phủ định quyền tối cao quyết định của cử tri (tức của toàn dân) trong sự lựa chọn ĐBQH thông qua bầu cử.” (Phan Đình Diệu). Hoặc : “Vận động bầu cử cần tiến hành bình đẳng, tránh bị kỳ thị, như có đại biểu đã phát biểu. (Lê Đăng Doanh) (1)


Để chuẩn bị xa, gần cho cuộc bầu cử cái quốc hội của đảng ấy, “đảng ta” cũng đã làm một số việc khá ngoạn mục.

Sau những cố gắng móc nối để dụ được các ông Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Duy tách khỏi khối người Việt hải ngoại để về nước chịu sự sai khiến của mình, đảng CS đã “cho phép” (hay dàn xếp, thỏa hiệp? và quảng cáo rầm rộ trước) để một phái đoàn hùng hậu của Làng Mai ở Pháp do sư ông Thích Nhất Hạnh cầm đầu linh đình về nước để lập các trai đàn giải oan cho những người đã chết, nhưng không đếm xỉa hay quan tâm đến những oan trái hiện đang chồng chất của những ngưòi còn sống. Sự việc này đã kéo chú ý của nhiều cơ quan ngôn luận ngoại quốc. Nếu Nguyễn Cao Kỳ là chính khách thuộc thành phần lãnh đạo chính trị miền Nam trước đây, và Phạm Duy thuộc thành phần nghệ sĩ nổi tiếng một thời tại miền Nam cũng như tại Hải ngoại, thì Thích Nhất Hạnh có thể được coi là thành phần nổi tiếng nhất thuộc một tôn giáo vốn tự coi là đông đảo nhất của Việt Nam, mặc dù ông lưu vong đã lâu tại Pháp, và đã tự ý lập ra một hệ phái Phật giáo riêng chẳng giống ai. Cho nên năm 2005, về nước sư ông đã bị hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Viêt Nam Thống Nhất từ chối không tiếp.

Sự kiện sư ông Thích Nhất Hạnh đem vài trăm đệ tử, tăng sĩ và Phật tử từ hải ngoại về nước chỉ ít ngày trước khi phái đoàn của Vatican tới Hà Nội trong chuyến thương thuyết thứ 15 nhằm dọn đường cho bang giao gữa Vatican và Cộng Sản Việt Nam có dính dáng gì đến việc thánh tượng Đức Mẹ Sầu Bi (2) ở Ninh Bình bị đập phá (ngày 30/1/2007) và các vụ sách nhiễu, khủng bố bắt giữ sau đây không? Chỉ xin kể một vài vụ gần đây nhất: Vụ đập phá ngôi tịnh thất của thượng tọa Thích Thiện Minh tại thị xã Bạc Liêu (ngày 16/3/2007), rồi khám nhà, tịch thu máy vi tính, bắt thưọng tọa Thích Thiện Minh đi làm việc (ngày 19/3/2007): việc lấp đường vào chùa Ba La Mật, hành hung, đánh đập hòa thượng Thích Nhật Ban chủ trì chùa này (giữa tháng 2/2007); việc công an bao vây nhà và khủng bố tinh thần huynh trưởng gia đình Phật Tử Lê Công Cầu, cấm thượng tọa Thích Chí Thắng sinh hoạt gia đình Phật Tử, sách nhiễu, cướp giật sách tay mang thiệp chúc Xuân của thượng tọa Thích Chí Thắng, trụ trì chùa Phước Thành, Thừa Thiên-Huế; và nhiều vụ sách nhiễu, đàn áp nhắm vào các tăng sĩ thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất tại các tỉnh Bình Định, An Giang, Đồng Nai Bạc Liêu, Thừa Thiên-Huế v.v... (trong tháng 2/2007).?

Việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Vatican yết kiến Giáo Hoàng (25/1/2007), và phó thủ tứớng Phạm Gia Khiêm sang Mỹ gặp ngoại trưởng Rice (ngày 15/3/2007) có dính dáng gì đến những vụ bắt giữ bà Thérèse Jebsen thuộc Sáng hội Rafto tại Thanh Minh Thiền Viện, khi bà này tới thăm hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (ngày 15/3/2007) không? Về sự việc này, chúng tôi xin trích một đoạn vắn trong lời phát biểu của hoà thượng viện trưởng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Quê Mẹ, Ỷ Lan, để độc giả thấy được hoàn cảnh xảy ra vụ việc và thái độ kiên cường bất khuất của một bậc chân tu từng chứng kiến những hành động dã man của CS.


Ỷ Lan: Kính xin Hòa thượng cho biết cảm tưởng trước sự việc này?
HT. Thích Quảng Độ: Về vấn đề này tôi chỉ tội nghiệp cho bà. Rất thương. Tôi buồn nhiều, mà tôi buồn ở chỗ tôi xấu hổ cho dân tộc tôi. Không có một chút gì là tính người, không còn một chút gì lịch sự, văn minh. Nó là một bọn người đầu trâu mặt ngựa thôi. Tôi chưa từng năn nỉ Cộng sản bao giờ mà! Bản thân mình chịu tù, bị lưu đày, nhưng chưa bao giờ năn nỉ nó một lời, mà hôm nay tôi phải năn nỉ nó, là vì tôi thấy bà tội. Người đâu tiên người ta đến đây lạ nước lạ cái, mà đối xử người ta như thế. (...) Thì đấy, cứ suy ra một người ngoại quốc người ta đến, mà công an cư xử như thế, thì phải hiểu cho 80 triệu dân Việt Nam đang sống dưới một chế độ như thế nào?


Đang ở trong nhà tù nhỏ
Nguồn: DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

Và nhất là những sự việc trên có liên hệ xa gần gì đến những vụ bắt giữ Linh mục Nguyễn Văn Lý 60 tuổi, các luật sư Nguyễn Văn Đài 38 tuổi và Lê Thị Công Nhân 28 tuôi, ông Đỗ Nam Hải, những đồng chí thân thiết của linh mục Lý không. Dĩ nhiên chẳng dính dáng gì lắm đâu. Có thể chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng người quan sát không thể không chú ý tới sự “ngẫu nhiên” lý thú này. Lại còn việc một “phụ tá” của linh mục Nguyễn Văn Lý là Nguyễn Phong bị khám nhà, bắt đi (ngày 16/2/2007), rồi vài ngày sau tuyên bố giải tán đảng Đảng Thăng Tiến Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là vụ Đỗ Nam Hải (Phương Nam), một trong những người đứng đầu gió ngọn sóng từ khi khối 8406 ra đời bị bắt, bị khủng bố tinh thần (?), rồi đột ngột tuyên bố rút lui khỏi khối vào giữa tháng 3 này!

Vụ Phạm Duy và Nguyễn Cao Kỳ về nước xảy ra đã lâu. Nói ra sẽ dài dòng, không khéo sẽ lạc đề. Hãy bỏ qua. Chỉ nên chú ý vào những sự kiện có liên quan đến tôn giáo và những hoà thượng, thượng tọa, và linh mục.

Về sự hồi hương linh đình của phái đoàn đồ sộ tiếng tăm của sư ông Nhất Hạnh và sư bà Chân Không (thế danh Cao Ngọc Phượng), chúng tôi xin phép không nói thêm, vì đã có quá nhiều người đề cập và phân tích tỷ mỷ theo nhiều xu hướng khác nhau rồi. Nói thêm sợ trúng kế của những kẻ muốn đánh lạc hướng dư luận.

Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào những sự việc liên quan đến linh mục Nguyễn Văn Lý và hòa thượng Thích Quảng Độ là hai vị chức sắc của hai tôn giáo tương đối lớn tại Việt Nam ngày nay, hiện đang bị nhà cầm quyền Cộng Sản giam lỏng vì tội chống chế độ.

Về địa vị, một linh mục coi một giáo xứ nhỏ như cha Lý không thể so sánh được với hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, là một trong hai lãnh tụ tối cao của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhưng nếu xét về lý do và thái độ chống chế độ Độc Tài Cộng Sản, thì có chỗ tương đồng rất quan trọng.

Hòa thượng Thích Quảng Độ có một sư phụ vô cùng kính mến bị Việt Cộng sát hại mà ngài đã từng kể lại chi tiết trong một lá thư gửi cho TBT Đỗ Mười ngày 19/8/1994. Trong thư có đoạn:

Cũng ngày hôm nay, cách đây 49 năm sư phụ tôi là hòa thượng Thích Đức Hải, trụ trì chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, đã bị cộng sản giết vào hồi 10 giờ sáng ngày 19/8/1945 (tức ngày 12 tháng 7 năm Ất Dậu), ngày cách mạng thành công, trên bãi cỏ trước đình làng Bặt thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, cách chùa sư phụ tôi 2 cây số, vì bị gán cho tội “Việt gian bán nước”...(3)


Linh mục Lý cũng có một sư phụ vô cùng kính mến là giám mục Nguyễn Kim Điền đã bị cộng sản ngược đãi, sách nhiễu, tra vấn và đã chết tại nhà thương trong một trường hợp đầy nghi vấn mà cha Lý nghĩ rằng ngài bị đầu độc. Tuy Giám Mục Nguyễn Kim Điền của linh mục Lý bị nạn sau hòa thượng Thích Đức Hải 4 thập kỷ, và cái chết của ngài không đẫm máu và rùng rợn bằng, nhưng vết thương để lại trong tâm khảm linh mục thì không kém sâu thẳm.

Có lẽ vì vậy mà cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý rất cương quyết và kiên cường một lòng một dạ chống đối chính thể Cộng Sản độc tài khát máu. Gần chục năm trước ông đã giăng khẩu hiệu TỰ DO TÔN GIÁO HAY LÀ CHẾT trước nhà thờ, dưới chân tháp chuông xứ An Truyền của ông. Đăc biệt là gần đây ông đã xướng xuất lên chiến dịch TẨY CHAY BẦU CỬ QUỐC HỘI THEO KIỂU ĐẢNG CỬ DÂN BẦU vào ngày 20 tháng 5 sắp tới.

Chủ trương này trước tiên đã được 3 linh mục (Chân Tín, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải) tán thành và ngày 17/10/2005 bốn ông đã đồng ký tên vào lời kêu gọi bầu cử đa đảng và Tẩy chay Bầu Cử độc đảng 2007. Sau đó đã được chấp nhận và phổ biến bởi khối 8406 như chủ trương chính thức của khối này.

Căn cứ vào một tham luận của linh mục Lý được một số báo đăng tải trong tháng 11 năm 2005, thì ông rất xác tín: “tẩy chay bầu cử độc đảng 2007 là đánh một đòn trí mạng vào chính ngay tử huyệt tối độc của chế độ độc tài cộng sản Việt Nam”. (4)

Theo những gì đã xảy ra chúng tôi suy đoán là linh mục Lý muốn dồn nhà cầm quyền vào cái thế lưỡng nan: Một là phải cho bầu cử tự do dân chủ đa đảng, hai là cuộc bầu cử sẽ bị tẩy chay. Dĩ nhiên với điều kiện là lời hô hào tẩy chay được đa số cơ quan ngôn luận và đảng phái ở hải ngoại hưởng ứng nhiệt liệt và phổ biến rộng rãi để đến tai nhân dân trong nước. Và nhất là nếu các chức sắc thuộc các tôn giáo trong nước cũng (ít là ngầm) tán trợ, để tín đồ hưởng ứng. Tiếc rằng cho đến nay thực tế không lấy gì làm lạc quan, nếu không nói là bi quan.

(Còn tiếp)


© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------
(1) Các ông Phan Đình Diệu và Lê Đăng Doanh là những trí thức có uy tín, được giới cầm quyền nể vì, do những cống hiến về chuyên môn mà họ dành cho chế độ. Ông Diệu là nhà toán học nổi tiếng trong nước, có tư tưởng tiến bộ, không buồn khi bị đảng khai trừ vì ủng hộ phong trào đòi dân chủ đa nguyên. Ông Doanh là chuyên viên cao cấp về kinh tế, tốt nghiệp đại học ở Nga và Đức, từng là cố vấn cho văn phòng các lãnh tụ Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng khi còn rất trẻ. Cho nên không lạ là họ đã dám lên tiếng phê bình đôi chút. Nhưng nói như họ cũng chẳng thấm vào đâu. Vì chuyện bầu cử kiểu này chỉ là một màn kịch để che đậy dã tâm tước đoạt hoàn toàn quyền tự do ứng cử và bầu cử của toàn dân, cũng như tất cả các quyền tự do căn bản khác của con người. Theo lập trường của linh mục Nguyễn Văn Lý và của Khối 8406 (tẩy chay bầu cử kiểu đảng cử dân bầu), thì bất cứ người dân nào, kể cả các ông Lê Đăng Doanh và Phan Đình Diệu, nếu chịu cúi đầu dẫn thân tới phòng phiếu vào ngày 20 tháng 5 tới này, để bỏ phiếu cho cái “quốc hội” của đảng, đều dương nhiên tán thành và củng cố cái chế độ độc tài phi dân chủ này.

(2) Đây là bản sao của bức tượng Pieta (thương Xót) do họa sĩ kiêm điêu khắc gia lừng danh Michel Ange sáng tác vào cuối thế kỷ 15. Tượng nặng gần 2 tấn, hiện đặt tại vương cung thánh đường Thánh Pherô, Vatican, Roma. Tượng ở Ninh Bình này đã bị Việt Cộng đập phá chỉ 4 ngày sau khi Giáo Hoàng tiếp Nguyễn Tấn Dũng tại Vatican! Người ta không loại trừ giả thuyết có bàn tay bí mật phá hoại nỗ lực của nhà cầm quyền trong vấn đề bang giao với Vatican.

(3) Một đoạn khác của bức thư trên: của Hòa Thượng Thích Quảng Độ:
Lúc 10 giờ sáng ngày 19-8-1945 (hồi đó tôi 18 tuổi) khi tôi nhìn sư phụ tôi, hai tay bị trói bằng giây kẽm quặt về phía sau, cổ đeo hai tấm biển viết mấy chữ “Việt gian bán nước”, một tấm trước ngực, một tấm sau lưng, đứng giữa sân đình làng Bặt, hai bên một đoàn người cầm gậy gộc giáo mác, cu liêm, bồ cào đứng canh gác. Môọt nhóm người mệnh danh là quan tòa của Tòa Án Nhân Dân đứng trên thềm đình để xử án. Họ bắt sư phụ tôi qùy xuống sân đình và cúi đầu nghe tòa luận tội. Nhưng sư phụ tôi đã không chịu làm thế. Một người từ trên thềm đình bước xuống đứng trước mặt sư phụ tôi, nói: “Mày là thằng Việt gian bán nước mà còn ngoan cố à?” Nói xong, họ đấm vào quai hàm thầy tôi mấy cái, một dòng máu từ trong miệng sư phụ tôi ứa ra, chảy theo cằm nhỏ xuống thấm đỏ tấm biển “Việt gian bán nước” ở trước ngực. Lập tức họ tuyên án tử hình rồi đưa sư phụ tôi ra bãi cỏ trước đình, máu từ miệng sư phụ tôi tiếp tục chảy ra thấm vạt áo dài, nhỏ xuống sân đình. Khi đến bãi cỏ, họ vật sư phụ tôi nằm nghiêng xuống, rồi một người bắn vào màng tai sư phụ tôi ba phát sùng lục, lại một dòng máu đỏ tươi phun lên thẳng tắp và sư phụ tôi chết liền tại chỗ. Dòng máu ấy với hình ảnh sư phụ tôi hai tay bị trói nằm chết trên bãi cỏ máu me đầy mặt, hai tấm biện “Việt gian bán nước” thấm máu, vạt áo thấm máu, hai bàn chân thấm máu, máu vương trên bãi cỏ, chỗ nào cũng thấy máu. Tất cả những hình ảnh ấy, đến nay đã 49 năm rồi mas2 tôi vẫn còn nhớ như in và tưởng chừng như mới hôm nào đó thôi. Thật là một cơn ác mộng.” (Trích Phật Giáo Thống Nhất, Thống nhất Phật giáo, nhà XB Tin, Paris, 1994, trang 5-6.)

nguon

Từ Đại Hội đến Quốc Hội (Kết)

Aucun commentaire: