1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

mardi 17 avril 2007

Để Giúp Học Anh Ngữ

Để Giúp Học Anh Ngữ
TRẦN KHẢI .

Việt Báo Chủ Nhật, 4/15/2007, 12:02:00 AM
Làm thế nào để giúp cho người trong nước học Anh Ngữ thật giỏi, thật nhanh để VN có thể chạy đua với các nước khác trên thế giới? Người Việt hải ngoại, đặc biệt là người cư trú tại các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc Châu có thể giúp gì được cho các bạn trẻ quốc nội trong nỗ lực học Anh Ngữ?

Giúp người trong nước học Anh Ngữ là một việc mà người hải ngoại có thể làm xuất sắc được, nhất là khi đã có nhiều phương tiện truyền thông tối tân như hiện nay, và sẽ giúp rút ngắn thời gian cho rất nhiều lĩnh vực phát triển tương lai.

Còn có một thực tế khác, mà những người quan tâm về phát triển quê nhà cần chú ý: nếu các bạn trẻ trong nước không giỏi Anh Ngữ, thì sự "mù chữ Anh Ngữ" cũng thực sự là những bức tường lửa kiểu khác, mà không kỹ thuật tin học nào giúp vượt tường nổi.

Chỉ cần giúp cho các bạn trẻ nhiều khả năng Anh Ngữ, tức khắc một thế giới sẽ mở ra cho họ, nơi đó họ sẽ học thêm về các thể thơ thế giới, đọc thêm các vở kịch và tiểu thuyết lớn của nhân loại, đọc những bài nghiên cứu nổi tiếng về tôn giáo thế giới, và sẽ đọc tin hàng ngày không cần qua các bản dịch tin trên 600 tờ báo quốc nội. Cả một thiên đàng tri thức đang chờ đợi bên kia hàng rào Anh Ngữ. Thậm chí, chúng ta có thể không cần, hay chưa cần, bàn chuyện giúp học Anh Ngữ để tìm đọc các trang web dân chủ quốc tế, vì khi các bạn trẻ đọc nhiều về sinh hoạt văn hóa các nước, tất nhiên sẽ tự có thắc mắc và so sánh về các quyền tự nhiên về tự do ngôn luận, tự do báo chí, vân vân. Từng chữ tiếng Anh là từng viên gạch nhỏ sẽ dựng lên một lâu đài tri thức do chính các bạn trẻ tự thiết kế.

Nhưng ngôn ngữ là một công trình nhiều năm, không thể là chuyện mì ăn liền. Học Anh Ngữ nếu không có một kỷ luật bản thân, nếu không có một đam mê sôi sục trong máu, thì không thể giỏi được. May mắn, trong nước mình, số bạn trẻ hiếu học rất là nhiều, và đa số vẫn học theo kiểu riêng, trong hoàn cảnh riêng của họ.

Nhu cầu Anh Ngữ nói cho cùng, không chỉ cần cho các bạn trẻ, mà rất là cần cho mọi người trong các ngành cần nghiên cứu, cần đọc nhiều bản văn tham khảo.

Điều thiệt hại cho quê nhà hiện nay là trình độ Anh Ngữ của chính nhiều vị thầy lại kém cỏi. Trên tờ Tin Tức Online hôm Thứ Năm 12-4-2007, có đăng bài viết tựa đề "Khi giáo sư 'mù' ngoại ngữ" (http://www.tintuconline.com.vn/vn/xahoi/137476/) của tác giả Lê Ngọc Sơn ghi nhận lời báo động về hiện tượng kém Anh Ngữ này.

Bài viết này có những đoạn khởi đầu, trích như sau:

"Khi giáo sư "mù" ngoại ngữ

Một anh bạn đồng nghiệp ngoại quốc than phiền với tôi rằng: Khi anh ta đến Hà Nội tham dự một buổi hội thảo khoa học về lĩnh vực xã hội, muốn gặp một giáo sư (GS) nào đó của Việt Nam để phỏng vấn thì không "bói" đâu ra người có thể trả lời lưu loát bằng tiếng Anh.

Chúng tôi đã mang bức xúc này trao đổi với GS.TSKH Đỗ Trần Cát - Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, và nhận định trên đã được khẳng định bằng một lời khẳng định chắc nịch: "Đúng là trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giáo sư mình rất thậm tệ...".

Nói-câm, nghe-điếc

Với tư cách là Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, ông có thể cho biết một số thông tin xung quanh vấn đề trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư (gọi tắt là - GS) Việt Nam?

Theo tôi có thể nói anh đồng nghiệp người nước ngoài của bạn nói rất đúng. Về vấn đề ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) của các GS ở ta thì phải nói đúng là rất thậm tệ…" (hết trích)

Giáo sư Đỗ Trần Cát không đưa đề nghị nào cụ thể để giải quyết hiện tượng này. Thêm nữa, ở thế hệ cao niên cực kỳ là khó thăng tiến khả năng Anh Ngữ tới đúng mức cần thiết. Thực tế, chính người hải ngoại chúng ta cũng biết, và tự bản thân từng người chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm gian nan học Anh Ngữ. Lại nữa hễ lên tới cấp giáo sư là đã vào lứa tuổi ngũ thập thì có muốn tăng tốc học Anh Ngữ là chuyện cực kỳ khó. Chỉ trừ phi người trong lứa tuổi này được sang Hoa Kỳ để học vài năm, và tắm gội Anh Ngữ suốt 24 giờ qua truyền hình, báo chí, lớp học, sách… thì mới giỏi được. Nhưng cái giỏi này, của người lớn tuổi, cũng chỉ là phần đọc, chứ còn phần viết thẳng bằng Anh Ngữ lại là chuyện thêm một phần gian nan nữa, và tới phần nói tiếng Anh thì cũng nên tự giác rằng vĩnh viễn không thể nói tiếng Anh như Mỹ nổi. Đó là nói tới chuyện cư ngụ ở các tiểu bang ít người Việt mới có thêm cơ hội giỏi, chứ còn sống ngay giữa lòng Quận Cam mà không vùng vẫy giữa thế giới Anh Ngữ thì cũng hỏng.

Do vậy, mục tiêu giúp người trong nước học Anh Ngữ cần ưu tiên nhắm vào các bạn trẻ.

Vậy rồi các trường dạy Anh Ngữ ở quê nhà đã làm tốt tới đâu? Chúng ta có thể nhớ lại thời đi học của mình nhiều thập niên trước: các trường dạy Anh Ngữ như các trường Ziên Hồng, Nguyễn Ngọc Linh, Hội Việt Mỹ… thời trước 1975 đã giúp bạn giỏi Anh Ngữ thế nào? Thực tế, bản thân tôi thấy mình lúc đó học hoài mà không giỏi, dù là có một số bạn lại rất xuất sắc. Thì bây giờ cũng vậy thôi, hay cũng xê xích hoặc tệ hơn hoặc đỡ hơn. Dù vậy, bất kể các bất toàn vì hoàn cảnh, công lớn của quý thầy, quý cô tại VN là đã trao cho nhiều thế hệ học sinh một căn bản Anh Văn cực kỳ cần thiết -- một trang bị tất phải có.

Tờ báo điện Dân Trí với bản tin "Kém ngoại ngữ, sinh viên Việt Nam mãi tụt hậu" (http://www19.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/3/172631.vip) đăng hôm Thứ Năm 29-3-2007 đã cho biết tình hình nhiều trường Anh Ngữ ở Sài Gòn, trích:

"…Ngay từ năm thứ nhất đại học, M.Trang (SV ĐHKTQD) đã xin tiền bố mẹ đăng ký lớp học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ gần trường. Sau bốn năm học đại học và 3 năm "cày cuốc tiếng Anh" ở trung tâm, đến khi tốt nghiệp, không hiểu sao M.Trang vẫn nhận được những cái lắc đầu từ phía nhà tuyển dụng. Hỏi ra mới biết thì ra tấm bằng C tiếng Anh ở trung tâm chỉ là "đi học đóng tiền thì người ta cấp cho" chứ thực tế "trung tâm không kiểm tra sĩ số, lực học cũng không đánh giá qua điểm nên dần mình chán rồi bỏ học suốt…"

Cũng thế, Vân - sinh viên năm cuối khoa Xã hội học - Học viện Báo chí Tuyên truyền bộc bạch: "Sinh viên năm cuối bọn em ngoài việc học trên giảng đường, đi làm thêm còn phải chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp nên ai cũng bận, làm gì có thời gian đầu tư cho tiếng Anh. Hơn nữa, bằng A, B, C tiếng Anh bây giờ nhan nhản, chỉ cần 300.000đ là có ngay một tấm bằng mới tinh, đóng dấu đỏ do trung tâm ngoại ngữ cấp đàng hoàng. Chỉ sợ nhất là họ thi tuyển, chứ xét bằng thì chẳng lo"…" (hết trích)

Người hải ngoại có thể giúp được gì? Có thể mở một băng tần truyền hình phát thẳng vào Việt Nam mỗi ngày vài giờ dạy Anh Ngữ? Hay mở ra một egroup (mạng lưới điện thư), một câu lạc bộ Anh Ngữ qua Internet… viết toàn bằng Anh Ngữ?

Chúng ta cũng biết là có nhiều đài phát thanh đang có các trang web, trên đó có nhiều bài học Anh Ngữ. Nhưng học Anh Ngữ như thế không thực sự hào hứng, vì thiếu sự tương tác. Học kiểu tự học qua mạng, hay qua sách chỉ thích hợp với một ít người, và mang nhiều tính tham khảo hơn.

Hay là có thể mở các lớp Anh Ngữ qua các mạng hội thoại video, tức là qua trực tuyến hội thoại có hình ảnh truyền qua camera? Các lớp này có thể chỉ giúp cho vài chục, hay vài trăm người thôi. Nhưng nếu nhà nước cho một làn sóng truyền hình hải ngoại được phát vào Việt Nam, và trên làn sóng này mỗi ngày có 4 giờ hay 8 giờ dạy Anh Ngữ các cấp thì sẽ có lợi biết là bao nhiêu. Thương lượng để có chuyện đó không khó gì hết. Thậm chí, nếu nhà nước dị ứng một số làn sóng truyền hình có quá khứ chống cộng, thì vẫn có thể yêu cầu các "trí thức cánh tả" đứng ra tự hy sinh làm các chương trình dạy Anh Ngữ như thế. Bởi vì không lẽ “trí thức cánh tả” cứ mỗi năm về chụp hình dịp Tết trên truyền hình nhà nứơc, ca ngợi Bác vài câu, viết tung hô đảng một bài, rồi lại chạy ra hải ngoại vui cái thú vui tư bản thì kỳ quá. Chỗ này, chắc chắn ai cũng sẵn lòng dạy, sẵn lòng giúp, chứ không phân biệt tả hữu làm chi. Công trình dạy Anh Ngữ nên đặt làm công trình toàn dân, mới tận dụng hết công sức của hàng triệu người Việt hải ngoại. Nếu nhà nước không thật tâm hòa hợp hòa giải thì một chuyện phi-chính-trị như học Anh Ngữ cũng khó giải quyết cho rốt ráo.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần cho rất nhiều làn sóng truyền hình Anh Ngữ khác được phát vào VN tự do, hay qua tiếp vận, như các đài CNN, CBS, ABC, hay các đài giải trí cho trẻ em như Disney, PBS Kids, vân vân… để cho người hiếu học ở VN có thể 24 giờ nghe tiếng Anh.

Nhà nước cũng có thể khỏi cần ôm đồm, cứ tiết kiệm bằng chiêu thức mượn hoa cúng Phật, cho các tổ chức mang hình thức xã hội dân sự như Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử (của Phật Giáo), Thiếu Nhi Thánh Thể (của Công Giáo) và của các tôn giaó khác… góp sức cụ thể, mở các khóa hè ba tháng huấn luyện Anh Ngữ cho tuổi trẻ bằng nhiều cách và nhiều phương tiện. Hoặc cho các huynh trưởng trong các tổ chức xã hội dân sự này từ hải ngoại về VN tổ chức các Trại Hè Anh Ngữ cho các em được các tổ chức đối tác trong nước giới thiệu. Hoặc để các tổ chức hải ngoại này mở Trại Hè Anh Ngữ ở Hoa Kỳ, và cho các em được các tổ chức đối tác trong nước giới thiệu ra học. Các em qua Mỹ học Anh Ngữ ba tháng hè, thực sự có thể nói tương đương với học trong nước bằng nhiều năm.

Và nhiều chương trình tương tự có thể nghĩ tới.

Chỗ này mà không làm quyết liệt thì VN sẽ không đào tạo khẩn cấp nổi một thế hệ mới giỏi Anh Ngữ trong tương lai gần. Công trình dạy Anh Ngữ là việc mà người hải ngoại sẵn sàng giúp. Và chắc chắn cũng là công trình mà chính phủ CSVN cần khẩn cấp thực hiện. Thực sự là khẩn cấp, và thực sự là quan trọng, còn hơn gấp nhiều lần so với chuyện nhà nước cứ đòi dạy Việt Ngữ cho thiếu nhi hải ngoại. Thực sự, nên thấy là khẩn cấp và quan trọng hơn là chuyện đưa ca sĩ sang Mỹ hát cho kiều bào nghe.

Aucun commentaire: