1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

vendredi 27 avril 2007

Nước Pháp Đi Tìm Tương Lai

Nước Pháp Đi Tìm Tương Lai

VÕ THÀNH VĂN . Việt Báo Thứ Sáu, 4/27/2007, 12:02:00 AM

...Khi chọn một Tổng thống mới vào tháng tới...

Sau vòng đầu vào ngày 22 tháng này, qua ngày sáu tháng Năm, dân Pháp sẽ đi bầu vòng hai để chọn hai ứng cử viên đã được nhiều phiếu nhất tuần qua. Sau đấy, qua tháng Sáu, họ lại đi bầu nữa để chọn 577 Dân biểu trong Hạ viện (viện quan trọng nhất) và một phần ba các Nghị sĩ của Thượng viện (một viện ít quan trọng hơn, gồm đại diện các địa phương).

Từ khi kết quả vòng đầu được thông báo, truyền thông thế giới đều chỉ nói đến cuộc đối đầu giữa hai lãnh tụ về nhất là Nicolas Sarkozy của đảng UMP (Union pour un Mouvement Populaire thuộc phe "trung hữu" chiếm 31,1%) và Ségolène Royal của đảng Xã hội (được 25,6%) và từ đó bàn thêm về vai trò bản lề của nhân vật thứ ba, François Bayrou của đảng UDF (Union pour la Démocratie Francaise, thuộc phe "trung dung") với 18,6% số phiếu. Đây là một cái nhìn quá hời hợt!

Hãy nói chuyện "chính danh" hay tên gọi trước.

Pháp là một quốc gia hiếm hoi mà đảng lớn nhất của phe tả vẫn tự xưng là đảng Xã hội (Parti Socialiste), thay vì đảng Lao động hay Dân chủ Xã hội như nhiều xứ Âu châu khác. Tinh thần "xã hội chủ nghĩa" đã thấm đậm vào Pháp hơn nhiều xứ khác và trong khi tại Mỹ, chữ "socialiste" có thể được coi là một lời đả kích hay nhục mạ cho cánh tả của đảng Dân chủ thì tại Pháp, chữ này vẫn còn thế giá. Cho tới ngày 22 vừa qua. Kể từ đó, lãnh tụ Ségolène Royal tránh nói đến chữ này. Bà đang cần lấy phiếu của cử tri trung dung ở giữa, của François Bayrou, thậm chí còn cho biết rằng Nội các tương lai của bà sẽ có nhiều nhân vật của đảng UDF của ông ta.

Cũng về tên gọi, cả hai đảng còn lại, UMP và UDF đều giống nhau ở chữ "Union" (Liên hiệp), một tập hợp chính trị thành một đảng để ủng hộ một ứng cử viên Tổng thống. UDF được thành lập năm 1978 để ủng hộ ông Valérie Giscard d'Estaing và UMP thoát xác từ nhiều phe hay đảng năm 2002 dưới tên của một liên hiệp mới để ủng hộ ông Jacques Chirac. Điểm đặc biệt của Pháp là hai đảng này hành xử như những cỗ xe tranh cử và có thể đổi tên rất nhanh, khi có nhu cầu. Mọi chuyện "liên hiệp" đều chỉ một mùa.

Điểm đặc biệt khác là đảng UDF có mọi tiêu chuẩn của một "lực lượng thứ ba", tức là lủng lẳng ở giữa, để gió chiều nào thì xoay chiều đó nên đã bị bào mỏng, chỉ còn 77 Dân biểu trong 577 Dân biểu của Hạ viện. Từ khi được Jean Lecanuet và Jean-Jacques Servan Schreiber thành lập bằng cách gom lại một tập hợp dân chủ gồm sáu phe hay đảng nhỏ vào năm 1978, đảng này thường xuyên gặp sức ly tâm rất mạnh trong mỗi mùa bầu cử ở sự chọn lựa "tham chánh hay không" và khi thì đối lập khi là đồng minh với đảng hay Thủ tướng đang cầm quyền trên từng đề mục. Sức ly tâm ấy đã khiến đảng này trở thành hòn cân nhỏ xíu và không còn thực lực như dưới thời Tổng thống Giscard d'Estaing. Mà cũng chẳng còn chủ trương gì rõ rệt để có thể phân biệt với đảng UMP.

Khi báo chí Mỹ nói rằng François Bayrou trở thành "king maker", người làm mưa làm gió vì nghiêng qua phe nào thì phe đó thắng, họ đã không trù tính một trường hợp thực tế hơn, là đảng này sẽ vỡ đôi! Đương sự dường như biết rõ điều ấy hơn ai hết nên ngay sau khi không được vào vòng hai liền cho biết là ông không có chủ trương công khai. Đảng trưởng không công khai ra lệnh cho đảng viên sẽ bầu cho ai mà để họ tự do chọn lựa, căn cứ trên những mặc cả cục bộ với hai phe tả hữu. Đấy là thái độ khôn ngoan của Bayrou để khỏi bị hớ, và còn hy vọng tham chánh, nhất là hy vọng tái tranh cử năm 2010.

Thái độ này sở dĩ khôn ngoan vì Pháp sẽ còn có bầu cử Quốc hội vào tháng Sáu. Những đảng viên UDF công khai ủng hộ phe này hay phe kia sẽ lập tức gặp sự cạnh tranh, hay trả thù trả đũa rất mạnh của đảng còn lại trong cuộc bầu cử tháng Sáu. Và có khi UDF chẳng còn giữ được 77 cái ghế đẩu lưa thưa trong Quốc hội!

Khi báo chí Mỹ hùa theo quan điểm của một số báo chí Âu châu và Pháp mà nói rằng đây là trận đối đầu giữa hai phe tả-hữu theo lối cổ điển của Pháp, họ cũng không nhìn ra sự thể là Pháp đã thay đổi. Mà nếu không thay đổi thì sẽ rụm rã, có khi Đệ ngũ Cộng hoà cũng sẽ tan rã sau khi thành hình từ 1958.

Hãy nhìn trên cánh tả trước. Sau cuộc đầu phiếu đặc biệt đông đảo của 85% trong số 44 triệu rưởi cử tri (một sự kiện rất đáng chú ý vì dân Pháp quan tâm đến tương lai hơn là ta nghĩ), phe tả, từ đảng Xã hội đến những phân tử cực tả đang bị bào đến cốt tủy, chỉ được 37% dân chúng ủng hộ. Đảng Cộng sản Pháp chỉ còn được 2% số phiếu sau khi đã từng là một đảng lớn, với sức huy động từ 16 đến 20% cử tri. Đảng này đã đổi mới và thoát xác dần dần để trở thành một chính đảng thông thường, hết còn mơ tưởng cách mạng vô sản và đòi thiết lập "chuyên chính vô sản", và càng đổi mới thì càng co cụm. Nhưng Pháp cũng là nơi mà xu hướng "Đệ tứ" vẫn còn tồn tại, với những chủ trương cực tả và chống toàn cầu hóa. Dù có kể thêm đảng Xanh, bảo vệ môi sinh, thì cả khối tả ấy không thể chiếm được đa số. Cho nên Ségolène Royal bèn giấu chữ "xã hội chủ nghĩa" vào trong váy và đi vớt phiếu ở giữa, của đảng UDF, qua những cuộc trả giá kín hở....

Nhưng nếu có trung dung đến độ vỡ đôi, đảng UDF này cũng khó tạo ra thắng lợi cho Tổng thống Royal để ông Bayrou có thể làm Thủ tướng và chuẩn bị cho cuộc tranh cử 2012. Phân nửa số phiếu Bayrou đã đạt tuần trước (18,6%) thì cũng chỉ là hơn 9%, chưa đủ để đẩy 37% số phiếu của cánh tả, từ Xã hội (25,6%) đến các nhóm cực tả, vào vị trí đa số. Trong giả thuyết hoang tưởng là liên minh trung dung và cánh tả đạt hơn 50% số phiếu được một cái phẩy thì đa số ấy sẽ mong manh như đa số kiểu Ý Đại Lợi: không đủ sức cầm quyền và thường xuyên bị đối lập bất tín nhiệm! Mà một đảng trung dung lại nghiêng quá về cánh tả thì sẽ hết trung dung và giấc mơ tái tranh cử của Bayrou sẽ thơm như bong bóng xà phòng.

Cho nên, một kết quả ít ai nói tới của cuộc đầu phiếu hôm 22 cho thấy là dân Pháp đang nghiêng dần về phía hữu, vì trước hiện tình đất nước, chính là phe hữu lại có vẻ như có nhiều ý kiến cải cách sáng nước hơn. Trong khi lập trường cực đoan của hai phe cực tả và cực hữu đều bị chối từ, cử tri muốn thay đổi, nhưng thay đổi theo những ý kiến của cánh hữu, những chủ trương ta có thể gọi là "trung hữu".

Từ Hoa Kỳ nhìn qua thì những chủ trương ấy bị gọi là trung tả, nhưng đối chiếu với truyền thống quá thiên tả của nước Pháp thì những chủ trương ấy được coi là "trung hữu"! Khác biệt là ở ngôn từ hay nhãn hiệu dán ở bên ngoài.

Bây giờ, ta nhìn về cánh hữu đó.

Trước vòng một của cuộc bầu cử, một giả thuyết bi quan nhất đã loé sáng trong đầu nhiều người. Đảng cực hữu của Jean-Marie Le Pen sẽ lấn đất của đảng trung hữu UMP, như đã từng thấy trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2002, và đảng UDF sẽ lấn đất của đảng Xã hội, khiến Bayrou có thể về nhì để đụng Le Pen ở vòng hai. Trong giả thuyết ấy, François Bayrou sẽ thành Tổng thống vì được phiếu của cả hai phe tả hữu để đẩy hung thần Le Pen ra ngoài. Năm 2002, Jacques Chirac đã tái đắc cử Tổng thống với 80% số phiếu vì cánh tả đã phải nuốt hận dồn phiếu cho ông để chặn làn sóng cực hữu Le Pen.

Nicolas Sarkozy là người đã làm cho giả thuyết ấy không trở thành hiện thực. Trong cuộc tranh cử vòng đầu (may hơn Mỹ, dân Pháp chính thức tranh cử trong có non một tháng thôi), ông trực tiếp tấn công, dữ dội và dứt khoát, lập trường cực hữu và chiếm được phân nửa số phiếu Le Pen đã đạt năm 2002. Nghĩa là thay vì bị lấn đất thì Sarkozy đã dành dân bên cánh hữu của Le Pen. Bây giờ, ông phải tỏ vẻ ôn hoà hơn để trấn an cử tri trung dung, nhưng ôn hoà trong thế mạnh chứ không phải mặc cả hay đổi chác như bà Royal bên đảng Xã hội.

Phần mình, cử tri Pháp vừa muốn vừa sợ thay đổi.

Họ không chấp nhận những đề nghị cực đoan của cả hai phe tả hữu mà muốn Pháp tiếp tục hội nhập với thế giới (không cưỡng chống toàn cầu hoá hay tự cô lập bên ngoài cộng đồng Âu châu) nhưng phải thay đổi ở bên trong để giảm bớt thất nghiệp và giải trừ nỗi bất an trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, họ muốn bỏ phiếu cho một Chính quyền mạnh, đủ mạnh để tiến hành những thay đổi cần thiết, miễn là không thay đổi quá, và nhất là không xâm phạm vào những thành quả họ đã đạt được dưới chế độ bao cấp của cả hai Tổng thống tả hữu, François Mittenrand và Jacques Chirac. Vì vậy, họ loại bỏ cả Le Pen lẫn Bayrou.

Vấn đề chính mà Sédolène Royal có thấy và Nicolas Sarkozy có nói tới, là Pháp phải tự giải thoát khỏi tình trạng sơ cứng của thị trường lao động (nguyên nhân của thất nghiệp cao), sự cạnh tranh sút kém của nền kinh tế (nguyên nhân của suy sụp kinh tế so với các lân bang Âu châu như Anh, Đức, Ý) và cả sự ôm đồm của bộ máy nhà nước bao cấp (nguyên nhân của bội chi ngân sách và gánh nặng công trái quá cao).

Từ cánh tả, Royal có thấy nhưng chưa dám nêu ra đề nghị quá mạnh nên hoá trang thành một xu hướng mới, khác hẳn truyền thống bao cấp cổ điển. Tuy nhiên, trong những điều nói ra khi tranh cử, bà vẫn bị cột vào quá khứ bao cấp ấy: về lao động thì nên linh động hơn cho doanh nghiệp còn dám tuyển dụng, nhưng vẫn giữ chế độ 35 giờ một tuần và còn tăng lương tối thiểu thêm 50%. Cái lô gích của đề nghị ấy là bội chi ngân sách sẽ vọt lên trời xanh. Cho nên, bà chú ý đến phong thái tranh cử hơn là nội dung.

Từ cánh hữu, Sarkozy dám nói ra những sự thật đáng ngại ấy của nước Pháp nên được đối phương và dư luận nói chung mô tả là một con người đáng sợ. Ông đề nghị giải phóng thị trường lao động để giảm thất nghiệp, cải cách doanh trường và đại học để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và lập kế hoạch cắt cảm bội chi trong 10 năm đồng thời không tái diễn trò cũ là giảm thất nghiệp bằng cách tuyển dụng thêm công chức và tài trợ giải pháp "tạo thêm việc làm" theo kiểu ấy bằng tăng chi.

Đối với một hồ sơ cực kỳ tế nhị là di dân, ông ta chủ trương phải thực sự hội nhập họ, nhưng cũng dứt khoát ngăn cản di dân nhập lậu. Sarkozy có thế mạnh để nói ra điều ấy vì là con nhà di dân và nổi tiếng mạnh tay khi làm Tổng trưởng Nội vụ! Le Pen đã dại dột dồn phiếu di dân cho Sarkozy khi bươi móc lý lịch đó của ông ta!

Nhìn chung thì Ségolène Royal nêu ra những đề nghị "ít xã hội chủ nghĩa nhất", có tinh thần đổi mới nhất từ đảng Xã hội, nhưng vẫn chưa đủ để kéo nước Pháp lên khỏi bờ vực. Ngược lại, Sarkozy thì có vẻ mạnh bạo hơn trong các đề nghị, nhưng cũng đủ thận trọng để dàn dựng một chiến lược cải cách tiệm tiến. Ông sợ liều thuốc của mình công phạt nặng và bản thân bị cử tri trừng phạt.

Trên đại thể cho đến tuần này thì Sarkozy có thế mạnh hơn để vừa vớt thêm phiếu cực hữu của Le Pen vừa thuyết phục cử tri trong khối trung dung của François Bayrou hãy đi theo mình để cứu nguy nước Pháp. Nhiều đại biểu UDF của Bayrou bắt đầu đắn đo vì nếu chống Sarkozy thì khi tranh cử Quốc hội sẽ không thể thỏa hiệp với đảng UMP của Sarkozy và có khi mất ghế!

Cử tri có vẻ như đồng ý với chiến lược Sarkozy là ưu tiên cho Le Pen về vườn sau đó mới nói chuyện phải quấy hơn thiệt với đảng viên UDF, cho nên Sarkozy mới thu được hơn 31% số phiếu trong vòng đầu, hơn hẳn hai vị tiền nhiệm trong khuynh hướng trung hữu của mình là Giscard d'Estaing và Chirac. Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên vào Thứ Bảy mùng hai này có thể rọi thêm ánh sáng cho chiều hướng ấy khi Sarkozy sẽ trổ tài hùng biện để thuyết phục cử tri về tương lai nước Pháp, nhưng không quá dữ để phạm vào sai lầm mà dân Pháp rất kỵ: "Không đánh người đàn bà, dù với một cánh hoa".

Dư luận Hoa Kỳ thì chú ý nhiều đến quan điểm thân Mỹ của Sarkozy (hơn hẳn Chirac) và truyền thông đã có nhiều bài bình luận đầy thiện cảm với ông ta. Thật ra, Sarkozy chỉ là người thực tiễn hơn và biết rõ thực lực của Pháp nên không muốn kênh kiệu chơi trèo mà thường xuyên dạy Mỹ những bài học về ngoại giao theo kiểu Chirac hay de Gaulle. Ông ta lo cho nước Pháp hơn là bênh Mỹ.

Báo chí Mỹ - kể cả từ phe Dân chủ - mà quá khen Sarkozy thì chỉ khiến ông mất thêm vài chục ngàn phiếu của thành phần cử tri ghét Mỹ tới tận xương tủy!

Aucun commentaire: