1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

mercredi 18 avril 2007

Đảng của công nhân đàn áp công nhân

Đảng của công nhân đàn áp công nhân

Lê Diễn Đức


Báo Tuổi Trẻ trong ngày 17/4/2007 cho hay, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang soạn thảo một nghị định quy định về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đình công, gây thiệt hại cho chủ nhân, trong trường hợp bị tòa phán quyết là đình công bất hợp pháp.

Theo dự thảo này, thiệt hại do đình công bất hợp pháp gây ra bao gồm tài sản bị thiệt hại do việc ngừng sản xuất, kinh doanh vì lý do đình công; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; các thiệt hại phát sinh từ việc không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đối với những thỏa thuận đã được giao kết với bên thứ ba.

Thiệt hại do đình công sẽ được bồi thường bằng cách khấu trừ dần vào lương công nhân, với mức khấu trừ tối đa không quá 30% tiền lương một tháng.

Cũng theo báo chí trong nước, lương của công nhân làm việc cho một nhà máy của chủ người Đài Loan tại Đồng Nai trung bình chỉ 760.000 đồng VN/tháng (chưa tới 50 USD). Với số tiền này người công nhân đã phải bươn chải rất chật vật với đời sống, nếu còn bị khấu trừ lương thì cuộc sống sẽ còn bi đát đến mức nào.

Báo chí trong nước nói rằng, dự thảo này nhằm hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động, được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.

Nhưng trong thực tế, đây là một biện pháp mới nhằm đối phó với tình trạng hiện nay trước việc công nhân đình công ngày mỗi tăng. Trong ba tháng đầu năm 2007 đã có tới 35 vụ đình công xảy ra. Hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương dẫn đầu cả nước về số vụ đình công. Các cuộc đình công xảy ra chủ yếu tại các công ty có vốn đầu tư của nước ngoài.

Nguyên nhân các cuộc đình công xuất phát từ vấn đề công nhân bị bóc lột thậm tệ, đồng lương quá thấp, lương bị trả chậm so với thời gian quy ước, giờ làm ca kíp quá nhiều hoặc mức giao sản phẩm quá cao.


Hàng trăm công nhân đình công ngày 11/4
Nguồn: laodong.com
--------------------------------------------------------------------------------

Vụ đình công gần đây nhất là của 700 công nhân tại hãng Quinmax của Đài Loan. Công nhân bất mãn trước đồng lương thấp và phản đối việc chủ hãng chỉ tăng lương riêng cho trưởng giây chuyền sản xuất và trưởng ca làm việc, là những người thường tuân theo lệnh chủ làm "gián điệp" giám sát, kiểm tra công nhân. Ngoài ra công nhân than phiền về việc không được bảo hiểm y tế và những vi phạm nhân quyền qua việc áp dụng những hình phạt quá đáng. Đi vệ sinh, nói chuyện hay ngáp trong lúc làm việc cũng bị coi là vi phạm và bị trừ tiền lương, có nhiều người bị trừ nhiều lần, mất luôn cả tháng lương thứ 13 trong dịp lễ, Tết.

Không ít trường hợp công nhân bị đối xử thậm tệ, xâm phạm thô bạo phẩm giá như bị đánh đập, bắt chạy dưới nắng hay có trường hợp ông chủ bắt nữ công nhân chui qua háng của mình. Báo trong nước cho biết, vừa rồi, tại công ty Canon, vốn Nhật Bản 100%, hai nữ công nhân đã bị trưởng giây chuyền sản xuất hành hung. Hai công nhân này xin nghỉ việc riêng và nhờ người khác đứng máy thay, khi ra đến cổng thì bị bảo vệ giữ lại và bị trưởng giây chuyền, là người Việt, dẫn vào trói chân vào cột bàn làm việc. Nhờ có sự cứu giúp của các công nhân khác mà họ được giải thoát. Trước sự phản đối mạnh mẽ của công nhân, chủ hãng Canon đã cho trưởng giây chuyền tạm nghỉ việc và bồi thường cho hai nữ công nhân nói trên, mỗi người 500 ngàn đồng Việt Nam.

Hầu hết các cuộc đình công của công nhân từ trước đến nay bị nhà nước cộng sản cho là bất hợp pháp vì không do công đoàn các cấp tổ chức và lãnh đạo. Gán buộc này phù hợp với dự thảo nghị định của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã nêu. Trong khi đó, các công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam không hề có công đoàn. Cho nên các cuộc đình công thường là tự phát. Khi có xung đột, đại diện công đoàn tỉnh, huyện nơi có các hãng đầu tư nước ngoài xuống giải quyết với vai trò hoà giải, thường ứng xử ba phải, phản ứng rất yếu ớt, nếu không nói là đứng về phía chủ nhân nước ngoài.

Nhiều nhà phân tích nước ngoài nhận xét về nhu cầu ‘‘cần nguồn đầu tư bằng mọi giá”, do đó chính quyền địa phương nhắm mắt làm ngơ trước các đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người lao động vì sợ chủ nước ngoài phật ý.

Trong hàng loạt các cuộc đình công vào năm ngoái và gần đây cho thấy chưa bao giờ có tiếng nói cương quyết của đại diện chính quyền trong các tranh chấp quyền lợi lao động.

Đảng cộng sản Việt Nam đang bị đặt trước hai mệnh đề của một bài toán khó giải.

Thứ nhất, là đại diện cho giai cấp công, nông, nếu đảng cộng sản ủng hộ phong trào đình công thì sẽ gây ra tiền lệ và rất dễ tạo ra một trào lưu chính trị. Trào lưu này chắc chắn sẽ đe doạ đến độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản một khi nó được giác ngộ ý thức về quyền công dân, quyền bảo hộ lao động và được tổ chức chặt chẽ.

Thứ hai, nếu đảng cộng sản chống lại phong trào đình công của công nhân lao động nhằm bảo vệ môi trường đầu tư ổn định của Việt Nam, sẽ dẫn đến tình trạng hạ tầng cơ sở của đảng cộng sản bị đe doạ vì công nhân xa lánh, oán hận đảng và nhà nước đã đi ngược lại với những lời tuyên truyền sáo rỗng rằng họ luôn vì lợi ích của người lao động.

Đằng nào thì đảng cộng sản cũng bị kẹt trong cảnh trên đe, dưới búa. Thế nhưng, với đảng cộng sản Việt Nam, không gì tối thượng bằng ngăn chặn mọi nguy cơ có thể đe doạ đến quyền lực lãnh đạo. Vì thế, họ chọn phương án tìm mọi biện pháp hữu hiệu nhất là răn đe khả năng bùng nổ đình công, đánh vào miếng ăn hàng ngày của những người nghèo khổ, kết hợp với khủng bố tinh thần bằng các quy chế pháp lý, làm cho công nhân lo sợ bị trấn áp, tù tội.

Dự thảo nghị định của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quy định về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đình công nằm trong mục đích này.


© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
Hiến pháp VNcs 1992

Điều 2

Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Điều 3

Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Điều 4

Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Điều 7

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân

Điều 83

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.


--------------------------------------------------------------------------------

Các nguồn tin được tổng hợp theo báo Tuổi trẻ, VnExpress, RFA (17/04/2007) và BBC Việt ngữ (14/04/2007).

xem them:
- Thư của Giáo Sư Nguyễn Thiện Tâm gửi toàn dân Việt Nam
- HÃY ĐỂ CHO NHÂN DÂN TỰ QUYẾT ĐỊNH NGƯỜI ĐẠI BIỂU CHO CHÍNH MÌNH
- Sai lầm cua hcm va hậu duệ (NTD)
- Về nhân vật Lê Duẩn
- Đảng CSVN đang giẫy chết
- Phỏng vấn Hồng Y Phạm Minh Mẫn về phiên toà xử Linh mục Nguyễn Văn Lý

Aucun commentaire: