1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

jeudi 17 mai 2007

“cái Tôi” Chung

“cái Tôi” Chung

LÊ QUANG SINH .
Việt Báo Thứ Năm, 5/17/2007, 12:02:00 AM

Hơn 30 năm trôi qua kể từ tháng 04, 1975 - cái mốc đánh dấu sự ra đi và hình thành cộng đồng người Việt hải ngoại trên toàn thế giới, trong đó phải kể đến việc chính phủ Mỹ đã dang rộng vòng tay đón nhận Quân Cán Chính miền Nam sang định cư tại Hoa Kỳ dưới dạng tị nạn chính trị vào năm 1990. Cũng từ đó các đoàn thể chính trị, các hội đoàn ái hữu, các hội cựu quân nhân, các hội đoàn văn học nghệ thuật v. v… đã được nhanh chóng thành lập để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt riêng cho từng tổ chức của người Việt hải ngoại. Song song cũng có một số tổ chức mang nhiều danh xưng khác nhau như: Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, Liên Hội Người Việt, Hiệp Hội Người Việt nhưng mục đích chung vẫn là: đại diện cho tiếng nói của cộng đồng người Việt ở địa phương với chính quyền, tranh đấu cho quyền lợi của đồng hương, đấu tranh bảo vệ chính nghĩa quốc gia dưới cờ vàng ba sọc đỏ, nuôi dưỡng và bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc nơi xứ người.

Sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở hải ngoại nhắm vào hai mục tiêu chính: chi?nh trị và văn học nghệ thuật. Các sinh hoạt chính trị thường do các hội đoàn như Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, Hội Cựu SVSQ Thủ Đức, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH… Về Văn học Nghệ thuật có các tổ chức như Thi Đàn Hương Việt, Thi Đa?n Lạc Việt, Thi Đàn Trầm Hương, Hoa Tiên Thanh Khí, Cơ Sở Cội Nguồn, Hội Thơ Tài Tử VNHN, Liên Hiệp Báo Chí Truyền Thông v.v… Phải nói một cách công bằng trong những năm qua cộng đồng người Việt tỵ nạn đã làm được nhiều việc tốt đẹp trên cả hai mặt chính trị và văn hóa. Bên cạnh ưu điểm này còn không ít những khuyết điểm, đó là sự bất đồng ý kiến, thiếu hiểu biết lẫn nhau, giữa cá nhân và tập thể phát xuất từ lòng tự ái, do cái "Ngã" quá lớn của một cá nhân hay cái 'Tôi" trùm lấp của một tập thể, gây ra sự lủng củng nội bộ, mất hòa khí đoàn kết, làm suy giảm hiệu năng phục vụ cho cộng đồng.

Có một điều khá nghịch lý là khi chúng ta đứng ra thành lập một Liên Hội hay một Hiệp Hội nào đó với mục đích tạo nên sự kết hợp để cùng chung sức gánh vác việc cộng đồng, nhưng vô hình trung lại tạo ra một khoảng cách mới giữa các hội đoàn. Một ví dụ điển hình là Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Dallas-FortWorth (Texas) đã không được sự hưởng ứng của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị và Hội Cựu Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Trong buổi họp mặt Tân Niên 2007 của Liên Hội CCSVNCH-DFW chiều ngày Chủ Nhật, 12-03-2007 tại Trụ sở Cộng đồng Người Việt QG Arlington, có khoảng 60 người tham dự, trong số đó có một vài thành viên của Hội CTNCT và Hội SQTBTD (nhưng không đại diện cho hội nhà). Sau phần báo cáo thành tích hoạt động trong năm qua và đường hướng hoạt động trong năm 2007, là phần phát biểu ý kiến rất sôi nổi xoáy quanh vấn đề đoàn kết giữa các hội đoàn trong khu vực thành phố Dallas và Fort-Worth, nổi bật nhất là sự đồng tình mời gọi gia nhập Liên Hội đối với hai hội đoàn đã đề cập ở trên.

Một sĩ quan niên trưởng với lời lẽ ôn tồn và giọng nói tha thiết đã động viên tinh thần hiểu biết và thông cảm của anh em cựu quân nhân và các đoàn thể hầu tạo sức mạnh cho cộng đồng người Việt Quốc gia để góp công sức vào sự nghiệp đấu tranh chung cho tự do dân chủ ở quê nhà. Thông thường trong một buổi họp cần phải có sự tranh luận để đi đến một giải pháp chung và dĩ nhiên không thể tránh được những ý kiến bất đồng đôi khi làm phật lòng nhau, nhưng nếu mỗi chúng ta biết lấy tinh thần dân chủ làm trọng thì những dị biệt, tị hiềm đó sẽ nhanh chóng được thay thế bằng hòa khí đoàn kết - mẫu số chung mà các hội đoàn, tổ chức của người Việt hải ngoại đang tìm.

Hiện nay công cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị hay văn hóa trong phạm vi sinh hoạt cộng đồng đều do lớp người thuộc thế hệ thứ nhất hay thứ hai đảm trách. Thế hệ thứ nhất nay đã bước vào tuổi 60, 70, hay 80. Thế hệ thứ hai cũng đã từ 30, 40, hay 50. Thế hệ thứ nhất rồi sẽ lần lượt ra đi, để lại cho các thế hệ con cháu đầy khả năng và nhiệt tình tuổi trẻ kế tiếp trách nhiệm. Phải thành thật nhìn nhận rằng thế hệ đàn anh đã ít nhiều lầm lỗi trong khi đi tìm cái "danh" và cái "lợi" riêng tư trong sinh hoạt chung của cộng đồng. Điều này đã làm mất đi phần nào niềm tin của đồng hương và tuổi trẻ đối với giới lãnh đạo trong công cuộc đấu tranh chung và cũng là đầu mối gây ra sự chia rẻ trong cộng đồng.

Tuy nhiên, chúng ta không thể không vui mừng khi những thế hệ kế tiếp đã và đang tự khẳng định vị trí của mình, mạnh dạn vững bước hơn trong những sinh hoạt của chính quyền Mỹ với các chức vụ Thị Trưởng, Dân Biểu, Nghị Viên…

Trăn trở hiện nay của chúng ta trong cộng đồng người Việt hải ngoại là sự thiếu đoàn kết nhất trí giữa các đảng phái chính trị, các hội đoàn, đoàn thể gây ra bởi nhiều lý do khác nhau: dị biệt quan điểm, xung khắc quyền lợi, hoặc xung khắc cá tính, ghen ghét, đố kỵ v.v…Do những khuyết điểm đó mà người Việt chúng ta chưa có được một tổ chức thực sự chính thức đại diện cho toàn thể khối người Việt ở Hoa Kỳ để tiếng nói của ta được lắng nghe trên bình diện quốc gia và được chính quyền Mỹ chú ý. Ở các địa phương, chúng ta có tổ chức bầu cử để chọn người ra gánh vác công việc cộng đồng, nhưng có nơi lại bầu ra đến hai vị Chủ tịch lãnh đạo cộng đồng, không khác gì một nước có hai ông vua trị vì.

Người Pháp đô hộ Việt Nam mấy chục năm có nhận xét một điều thấy cũng chí lý: "Mỗi người Việt Nam là một ông quan". Ai cũng muốn đứng trên người khác không chịu dưới trướng ai, lòng tự ái quá cao nên sinh ra đố kỵ, ganh tỵ, kể xấu người khác (đoàn thể khác) mục đích để đề cao cái "ngã" và hạ thấp cái "tha ngã". Cái "Tôi riêng" đã lấn át cái "Công chung". Cái "danh lợi" làm lu mờ cái giá trị tinh thần truyền thống cao quý của tiền nhân để lại. Việc phân hóa vì dị biệt lập trường chính trị của các phe phái không dễ gì giải quyết được, nên chúng tôi chỉ xin mạo muội nêu lên vài ý kiến thô thiển liên quan đến phương thức giảm thiểu sự phân hóa do xung khắc quyền lợi và xung khắc cá tính mà thôi. Mong sao những người đương ra gánh vác chuyện cộng đồng dám quên đi cái "Tôi riêng", quên đi cái quyền lợi riêng tư, để phục vụ cho đồng hương, và đoàn thể của mình một cách đắc lực và hiệu quả hơn, đồng thời nêu gương sáng phục vụ cho thế hệ kế tiếp noi theo. Chúng tôi trộm nghĩ nếu mọi người ai cũng nghĩ đến cái giá trị tinh thần và quên đi cái giá trị vật chất trong khi phục vụ tha nhân, quên đi cái "Tôi riêng" mà nghĩ đến cái "Tôi chung" để hòa mình cùng tập thể thì hạnh phúc cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại biết bao!

Viết đến đây tôi chợt nghĩ đến "Thằng Ăn Cắp" trong chuyện cổ tích Ấn Độ. Một thương gia nọ đi làm ăn xa mười năm sau mới trở về làng cũ. Khi ngang qua một ngôi chùa, ông nghỉ chân dưới tàn cây đa và vào chùa cầu Phật. Khi ra đi ông bỏ quên gói hành lý với số vàng làm ăn dành dụm trong mười năm trời. Một nông dân làng bên theo thói quen đi ngang qua chùa cũng ghé nghỉ chân và cầu Phật đã nhặt được gói hành lý.

Về đến nhà, ông mở gói hành lý trước mặt vợ và thấy có một số vàng. Ông nói với vợ số vàng này không phải do mình làm ra, bèn đem gói hành lý cất vào rương và khóa kỹ lại. Sau đó ông treo bảng trước cửa nhà báo ai mất gói hành lý thì đến nhận. Người thương gia về đến nhà mới biết mình đã bỏ quên gói hành lý ở chùa bèn quay lại tìm nhưng không thấy. Ông buồn rầu trở về, khi ngang qua nhà người nông dân thấy bảng treo trước cửa liền vui mừng vào xin nhận lại. Sau khi hỏi thăm dò mấy câu, anh nông dân trao lại gói quà cho người thương gia.

Cảm kích lòng tốt của anh nông dân, người thương gia tặng một nửa số vàng nhưng anh nông dân không nhận và nói: "Trả lại một vật không phải của mình là một việc bình thường, có gì đâu mà bác phải đền ơn." Người thương gia đáp lại: "Bác đã làm một điều thiện được đền ơn là phải lẽ". Anh nông dân lại nói: "Làm việc thiện là nghĩa vụ tự nhiên, xưa nay vẫn vậy, không phải cái cớ để đòi tiền thưởng, cũng như lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc không phải là cái cớ để được trả công; vàng của bác do công sức làm ra thì bác hưởng, tôi có góp công lao gì vào đấy đâu mà được chia phần? Xin bác để tôi được sống yên vui với cảnh nghèo của tôi hơn là sống trong giàu có nhờ của cải người khác".

Người thương gia lặng thinh ra về, bất thần để lại túi vải đựng nửa số vàng lên bàn rồi bỏ chạy với ý muốn bắt buộc anh nông dân phải nhận sự trả ơn. Người nông dân vội nhặt gói vàng chạy đuổi theo, miệng hô hoán: "Bớ người ta, bắt thằng ăn cắp! Bắt lấy thằng ăn cắp!" Dân làng chạy ra hỏi: "Nó ăn cắp cái gì của bác?" Người nông dân trả lời: "Nó muốn ăn cắp cái tâm công chính và lòng chân thật của tôi từ ngày tôi theo Phật".Đó là câu chuyện cổ tích. Thời nay cũng có câu chuyện mất của mà tìm lại được giống như chuyện vừa kể trên, nhưng nó lại mang tính "hiện đại" khác với "cổ xưa". Câu chuyện xảy ra tại Dallas rất gần đây. Một bà đầm Mỹ đi Taxi bỏ quên cái xách tay trên xe đựng $30,000 đô. Người tài xế đem số tiền này đến sở cảnh sát nhờ trao lại cho chủ nhân. Bà đầm Mỹ nói lời cám ơn và tặng bác tài xế $100 đô. Theo chuyện kể, người tài xế nhận số tiền nầy và nói cũng vừa đủ trả tiền mua xăng và thì giờ đi báo cảnh sát!

Sự khác biệt giữa hai câu chuyện mất của là sự định lượng giá trị tinh thần, vật chất, và cái giá trị thực tiễn của nó. Độ cảm kích đối với lòng tốt của tha nhân ngày xưa khác với ngày nay, và cử chỉ nhận một số tiền rất nhỏ so với số tiền đem trả lại là một sự kiện được coi như tiêu biểu cho lối sống thực tế của người Mỹ. Người đời nếu thiếu đi lòng công chính, chân thật sẽ không hiểu được ý nghĩa thâm sâu của câu chuyện "Thằng Ăn Cắp" và "Mất Của" này.

Kể lại hai câu chuyện trên chúng tôi có ý muốn đề cao giá trị tinh thần cao quý muôn đời đáng được truyền tụng. Những nhân vật trong chuyện dám hy sinh cái "Tôi riêng" mà hòa mình cái "Tôi Chung" vào với tha nhân, dám hy sinh cái nhu cầu vật chất riêng tư để đổi lấy sự an bình hạnh phúc cho mỗi người. Nếu chúng ta cũng làm được như vậy, thì việc xây dựng một cộng đồng Việt Nam vững mạnh ở hải ngoại chắc chắn sẽ thành tựu một cách tốt đẹp. Mong thay!

Dallas, TX, 3-2007

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=107854

Aucun commentaire: