1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

lundi 21 mai 2007

Thanh toán quá khứ CS không phải là để trả thù

Thanh toán quá khứ CS không phải là để trả thù


Đinh Minh Đạo



Trong những ngày giữa tháng 5 vừa qua, báo chí, đài truyền hình Ba Lan và quốc tế đồng loạt đưa tin về phán quyết của Tòa Án Bảo Hiến Ba Lan về Luật Thanh Lọc (mà báo giới nước ngoài thường gọi là Luật Vô Cộng Sản Hoá).

Đạo luật này đã được quốc hội Ba Lan thông qua và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2007. Đây là một đạo luật mới do các đảng đang cầm quyền bổ sung, sửa đổi lại từ bộ luật thanh lọc cũ đã có từ năm 1997, liên quan đến sinh mạng chính trị, đời sống, danh dự... của hàng vạn công dân. Vì vậy phán quyết của Tòa Án Bảo Hiến là một sự kiện chính trị hàng đầu thu hút sự chú ý của toàn xã hội.


Dọn dẹp tồn đọng quá khứ

Sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ, tại các nước cựu cộng sản Đông Âu, di sản tiêu cực mà các chế độ độc tài cộng sản để lại trong xã hội sau gần nửa thế kỷ hết sức nghiêm trọng. Một trong những vấn nạn mà các nước như Ba Lan, CH Czech, Hungary, Đức... đều phải trải qua, đó là hậu quả của các hoạt động mà bộ máy an ninh để lại.

Cũng giống như ở Việt Nam hiện nay, để giữ vững chế độ cộng sản, ngành an ninh của chế độ cộng sản Ba Lan đã hoạt động rất sâu rộng và tinh vi. Hệ thống tổ chức ngầm của nó bắt rễ vào mọi tầng lớp và tổ chức xã hội như nhà thờ, trường học, cơ quan ngoại giao, cơ quan nghiên cứu khoa học, nhà máy, hầm mỏ v.v... Các nhân viên an ninh được tuyển dụng bí mật, được cung cấp tài chính và ưu đãi về mọi mặt để giám sát các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là theo dõi, đàn áp các thành phần đối lập, đấu tranh đòi hỏi dân chủ và bảo vệ nhân quyền.

Các chế độ độc tài ra đi, hồ sơ mật về các tổ chức, các cá nhân, danh sách các nhân viên an ninh và các cộng tác viên mật để lại chất đầy trong các kho lưu trữ đặc biệt từ trung ương đến địa phương.

Để công khai hóa những hồ sơ này, các nước Đông Âu đã chọn các giải pháp khác nhau, mở các kho lưu trữ để các công dân đến xem hồ sơ cá nhân của mình hoặc là các cá nhân trong diện công khai hóa tự khai báo có cộng tác với an ninh của chế độ công sản hay không... Đây là việc làm cần thiết để đoạn tuyệt dứt khoát với quá khứ của chế độ cộng sản và làm trong sạch bộ máy của chính quyền dân chủ .

Sau 17 năm tranh cãi vẫn chưa hế bất đồng

Ngày 04/06/1989 trong cuộc bầu cử tự do, Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng cử, đứng ra lập chính phủ dân chủ đầu tiên sau 45 năm dưới chế độ cộng sản. Từ đó đến nay, qua tất cả các nhiệm kỳ quốc hội, luật thanh lọc cộng sản đều được đưa ra thảo luận với nhiều quan điểm tương phản, gay gắt và hầu như không lúc nào tìm được thoả hiệp tuyệt đối.

Kho hồ sơ lưu trữ vẫn nằm đó, nó giống như khối u trong cơ thể con người. Khối u đó không phát triển nữa nhưng vẫn cần được mổ xẻ và cắt bỏ. Năm 1997, bộ luật thành lập Viện Tưởng Nhớ Dân Tộc (viết tắt tiếng Ba Lan là IPN) – Hội Đồng Truy Xét Các Tội Phạm Chống Lại Nhân Dân Ba Lan được ban hành. IPN có trách nhiệm quản lý, bảo quản và thu thập hồ sơ lưu trữ trên. Cùng với IPN, 11/04/1997, Luật Thanh Lọc ra đời, quy định tất cả những ai có quan hệ hợp tác với an ninh cộng sản trong giai đoạn 1944-1989 (tức là toàn bộ thời gian chế độ CS Ba Lan cầm quyền) sẽ không được nắm giữ các cương vị trọng trách trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan xã hội công cộng. Những người thuộc diện này phải làm cam kết khi nhận nhiệm vụ và Toà Án Thanh Lọc thuộc IPN sẽ làm nhiệm vụ xác minh, phán quyết một khi có xung đột pháp lý về bản cam kết.

Tháng 09/2005, trong cuộc bầu cử quốc hội khóa 5 (nhiệm kỳ 4 năm), Đảng Luật Pháp Và Công Lý (PiS), một đảng cánh hữu hậu Công Đoàn Đoàn Kết đã giành được nhiều phiếu nhất (gần 27%). Để có đa số cầm quyền, PiS liên minh với một đảng dân tuý là đảng Tự Vệ (Samoobrona) và Liên minh Các Gia Đình Ba Lan (LPR) là một đảng cánh hữu dân tộc cực đoan, để thành lập chính phủ, hiện do thủ tướng J. Kaczynski đứng đầu. Trước đó, người em song sinh của thủ tướng, ông L. Kaczynski đã trúng cử tổng thống. Với liên minh đa số trong quốc hội và thượng viện, lại được tổng thống ủng hộ, các đảng cầm đang quyền tại Ba Lan cương quyết thay đổi Luật Thanh Lọc, mở rộng thành phần phải chịu bạch hoá về sự cộng tác với an ninh cộng sản như các nhà báo, các giáo sư khoa học, doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, hiệu trưởng các trường tư, lãnh đạo các nghiệp đoàn thể thao... Luật Thanh Lọc mới này đã được quốc hội và thượng viện thông qua ngày 18/10/2006 sau nhiều lần thảo luận, sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ ngày 15/03/2007. Người ta ước tính có khoảng 700 ngàn công dân Ba Lan nằm trong diện bị thanh lọc phải nộp các bản khai báo về quá khứ của mình.

Phán quyết cuối cùng

Ngay sau khi đạo luật ban hành, nhiều cá nhân, các nhà báo, các tổ chức xã hội và đặc biệt giới trí thức hàn lâm đã lên tiếng phản đối về nội dung và mục đích của của Luật Thanh Lọc mới. Đảng Liên Minh Dân Chủ Cánh Tả SLD (được xem là một chuyển hoá từ đảng cộng sản cũ) là đối lập tại quốc hội Ba Lan đã kiện Luật Thanh Lọc này lên Toà Bảo Hiến với lý do Luật Thanh Lọc vi phạm nhiều điều được quy định trong Hiến pháp Cộng Hoà Ba Lan. (Hiến Pháp này được quốc hội thông qua và sau đó trưng cầu dân ý vào năm 1997).


Giáo sư Jerzy Stepien, Chủ tịch toà Bảo Hiến Ba Lan
Nguồn: Trybunal.gov.pl
--------------------------------------------------------------------------------

Phiên tòa kéo dài 3 ngày, từ ngày 9 đến 11 tháng 5/2007 với chủ tịch Toà Bảo Hiến, giáo sư Jerzy Stepien và 10 vị chánh án khác. Một cuộc đọ sức về tri thức và hiểu biết pháp lý chưa từng thấy giữa một bên là đại diện quốc hội Ba Lan (phe cầm quyền, bị cáo) và một bên là cánh tả (phe nguyên đơn đối lập) đã diễn ra hết sức sinh động, căng thẳng, hồi hộp với đầy những dự đoán, đầu cơ thông tin của giới truyền thông và chính khách.

Sau khi làm việc khẩn trương và rất nhiều lần Toà phải tạm nghỉ để bàn luận, 7 giờ tối ngày 11/05, Chánh án chính của Toà đã đọc phán quyết. Bản phán quyết đã nêu từng điểm cụ thể trong Luật Thanh Lọc, tất cả gồm 77 điểm, không phù hợp với các điều ghi trong Hiến pháp hiện hành và sau đó, chủ tịch Toà Bảo Hiến đọc luận cứ phán quyết của Toà.

"Luật Thanh Lọc ra đời chỉ nhằm phục vụ mục đích bảo vệ dân chủ. Nó không phải dùng để thoả mãn ý muốn trả thù mà là phục vụ cho công lý và quyền con người" - Giáo sư Stepien nói. Ông cũng nói thêm: ‘‘Chống lại chế độ toàn trị, nhà nước phải giữ nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền, bởi nếu làm khác đi thì chẳng có gì tốt đẹp hơn chế độ độc tài nữa. Luật Thanh Lọc chỉ có thể quy kết trách nhiệm cá nhân chứ không quy kết trách nhiệm tập thể. Chúng ta đã đoạn tuyệt với các lý thuyết của họng súng”.

Điểm quan trọng nhất là Toà Bảo Hiến đã giới hạn đối tượng bị thanh lọc, còn lại tương tư như Luật Thanh Lọc năm 1997, tức là chỉ bao gồm các công dân nắm giữ đang giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền các cấp, các đoàn thể, cơ quan công cộng.

Toà gạch bỏ các đối tượng sau:

1. Tất cả các viên chức khoa học được tuyển dụng với chức danh giáo sư, phó giáo sư, trưởng khoa, các giảng viên đại học lâu năm.

2. Các hiệu trưởng, các thành viên ban giám hiệu, các giám đốc, trưởng phòng các trường tư.

3. Các chủ doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

4. Các giám đốc nhà xuất bản và tổng biên tập báo chí tư nhân (tất nhiên là các nhà báo nữa).

5. Các nhân viên xiết nợ (chấp chính) của toà án

6. Các kiểm toán viên.

7. Các thành viên của các nghiệp đoàn thể thao
.


Phán quyết của Toà Bảo Hiến là phát quyết cao nhất, cuối cùng và có hiệu lực ngay sau khi được đăng trên công báo. Chủ tịch Toà Bảo Hiến cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ không được chậm trễ trong việc công bố bản phán quyết lên công báo. Mặc dù rất hậm hực, cay đắng vì cho ra đời một bản luật bị bác bỏ, nhưng quốc hội của các đảng cầm quyền, tổng thống Ba Lan không còn cách nào khác hơn là nhất nhất tuân thủ.

Ngay sau phán quyết của Toà Bảo Hiến, các tổ chức thăm dò dư luận đã khảo cứu, 81% công dân Ba Lan cho rằng Toà Bảo Hiến đã làm đúng chức năng của mình, bản phán quyết là công bằng và xác đáng.


Toà Bảo Hiến Ba Lan
Nguồn: www.Trybunal.gov.pl
--------------------------------------------------------------------------------

Bài học từ bản án về luật thanh lọc cộng sản của Ba Lan thật sống động và sâu sắc. Nó chứng tỏ tính ưu việt của cơ chế hoạt động trong bộ máy nhà nước dân chủ. Toà Bảo Hiến do quốc hội bầu ra bằng bỏ phiếu trực trực tiếp và tổng thống phê duyệt, nhưng nó lại là một định chế độc lập, tuyệt đối không phải là công cụ của các đảng cầm quyền. Chủ tịch và các thành viên của Toà Bảo Hiến là những giáo sư, những chuyên gia xuất sắc về luật với nhiệm kỳ 9 năm và được cử một cách chủ ý nhằm tránh sự khuynh loát các các đảng cầm quyền: các chánh án Toà Bảo Hiến kết thúc nhiệm kỳ thường không trùng lặp với kết thúc nhiệm kỳ quốc hội của một đảng cầm quyền nào đó. Họ thật sự là những người lính chỉ trung thành với Tổ quốc, được huấn luyện tinh nhuệ, với tính chí công vô tư, lòng dũng cảm, với vũ khí hiện đại là sự hiểu biết cao về pháp luật, để canh gác tài sản quý giá nhất, thiêng liêng nhất của nhân dân, đó là HIẾN PHÁP.

Không môt ai, kể cả tổng thống hay đa số đang cầm quyền được ‘‘đứng” hoặc ‘‘ngồi” lên hiến pháp. Khác hẳn với chế độ bạo quyền, như đảng cộng sản Việt Nam, đã tự tạo ra hiến pháp nhằm phô diễn như có một bộ máy nhà nước nhưng thực tình thì thao túng và sẵn sàng nhổ toẹt vào nó khi bị đụng chạm đến chiếc ghế quyền lực.

Thiết tưởng bài học trên đáng để những người Việt Nam chúng ta suy ngẫm, với người Việt ở hải ngoại nói riêng khi bàn về thanh toán quá khứ cộng sản và người Việt nói chung, nhân cuộc bầu cử quốc hội Việt Nam trong ngày 20/05 vừa qua, theo mô thức "Đảng cử, Dân bầu, Đảng chỉ đâu, phải trúng đó"!


Warszawa 05/2007

© DCVOnline

dcv

Aucun commentaire: