1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

mercredi 16 mai 2007

Kết thúc thiên đường XHCN... tư bản ?

Kết thúc thiên đường XHCN... tư bản?

Lưu Vũ


Sau mấy ngày nghỉ phép (khá ầm ĩ) cùng gia đình trên phi thuyền ‘‘Paloma” của nhà tỷ phú giàu nhất nước Pháp Vicent Bolloré tại Malta, ngày 16 tháng 5 năm 2007, Nicolas Sarkozy chính thức nhậm chức tổng thống Cộng hoà Pháp với nhiều ý tưởng mạnh, trước hết trong việc thành lập nội các chính phủ mới với tỷ lệ nam nữ 50/50 và mời một số chính khách cánh tả tham gia. Sarkozy cũng đã gặp gỡ các tổ chức công đoàn lớn nhất nước Pháp để thoả thuận một số điểm tạo tiền đề cho cuộc cải cách chính sách xã hội sắp tới.


Châu Âu của chủ nghĩa dân tuý cấp tiến

Cuộc bầu cử tổng thống của nước Pháp với tân tổng thống Nicolas Sarkozy được xem là một sự kiện quan trọng đối với nhiều nước xuất phát từ vai trò chính trị, kinh tế của Pháp trong Liên Hiệp châu Âu và trên bàn cờ chính trị thế giới.

Sau nhiều thập kỷ, nền kinh tế bị ngưng trệ trầm trọng vì cơ cấu bảo thủ, phi kinh tế tự do, vì sự can thiệp quá sâu của nhà nước, đa số người Pháp hy vọng một khuôn mặt mới khả dĩ có thể thay đổi nước Pháp, đưa nước Pháp thoát khỏi bế tắc. Song song, một bộ phận không nhỏ vốn lười biếng, quen an nhàn trên sự bảo hộ và chăm sóc xã hội của nhà nước hoàn toàn không muốn nhìn thấy một nước Pháp khác đi. Chính vì thế, cả vòng I (22/04) và vòng II (6/05) số cử tri đi bầu đã đạt con số kỷ lục trong lịch sử Pháp: khoảng 85%.

Việc cử tri tham gia bỏ phiếu với con số lịch sử trên đây không chỉ là ý thức dân chủ, chính trị của người Pháp bỗng dưng được thức tỉnh mà sự thật là một cuộc tổng động viên lực lượng quyết giành thắng lợi của hai khối đại diện cho dân chúng Pháp: khuynh hướng cánh hữu, đòi hỏi cấp thiết thay đổi và cánh tả, muốn tiếp tục giữ nguyên những quyền lợi xã hội đang được hưởng, bất chấp khả năng hiện thực của một quốc gia mà số nợ xã hội đã tới 2.500 tỷ € (Euro). Cuộc vận động của cánh hữu mang lại hiệu quả vì họ đã biết sử dụng tiếng nói dân tuý (populism) cứng rắn nhưng lại vẫn giữ được bản chất cấp tiến của mình. Thiên hướng dân tuý cấp tiến (liberal populism) hiện nay đang có vẻ là thời trang tại Âu châu. Sarkozy (Pháp), Klaus (CH Czech), Kaczynski (Ba Lan), Berlusconi (Italy) đều chủ đích tấn công vào các nguyên tắc vận hành chính trị như những con người có bàn tay sắt thô bạo nhưng đồng thời không bỏ qua tính cấp tiến minimum. Ségo Royal với khẩu hiệu ‘‘Hãy bảo vệ nền dân chủ trước Sarkozy” mang tính cơ hội ngay từ đầu cuộc vận động đã mang đến thất bại có tính ý thức hệ và tri thức của cánh tả Pháp.


Bs. Bernard Kouchner: chính khách cánh tả, người cổ vũ nhân quyền, đồng sáng lập viên của tổ chức Y sĩ Không Biên giới, động cơ của chiến dịc "Một con tàu cho Việt Nam", đưa "l'Ile de Lumière" dde6'n đảo Bidong (Malaysia) và Anambas (Indonesia) giúp người vượt biển – có khả năng là bộ trưởng ngoại giao trong nội các mới của Pháp
Nguồn: swissinfo.org/Ảnh Reuters
--------------------------------------------------------------------------------

Bên cạnh sự hân hoan, ăn mừng chiến thắng của những người ủng hộ tân tổng thống Nicolas Sarko là sự thất vọng của cử tri đã bỏ phiếu cho Ségo Royal, đặc biệt là tuổi trẻ trong giới di dân mà có khu vực tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 30%. Chính vì thế, cùng với lời ca, tiếng nổ của rượu Champan là các vụ bạo động, quậy phá của những người chống lại Sarko tại ngoại ô Paris và nhiều thành phố khác ngay vào tối ngày 6/05 sau khi Sarko đắc cử và các ngày tiếp theo vừa qua. Người ta đã phải điều động một lực lượng cảnh sát tương đương với thời kỳ bạo loạn trong năm 2005 để đối phó. Có những nhà bình luận cánh tả cho đây là thảm hoạ của nước Pháp tự do vì dưới kỷ nguyên của Sarkozy những người Pháp lương thiện sẽ bị giám sát, truy bức; nhân quyền bị xâm phạm; các phúc lợi xã hội bị cắt giảm, đời sống của người thất nghiệp sẽ cùng cực. Chủ nghĩa xét lại chính trị sẽ làm suy tổn uy tín của nhiều người được kính trọng liên tục từ năm 1968 đến nay. Sarkozy chia rẽ sự đoàn kết của nước Pháp, huỷ hoại đạo đức-chính trị dân tộc v.v…

Henry Alexander (23 tuổi, làm nghề bảo vệ công sở) nói với phóng viên nhât báo Dziennnik, Ba Lan (07/05): ‘‘... Theo tôi, 35 giờ làm việc trong một tuần là đủ. Tôi không hiểu tại sao ông Sarkozy lại bắt tôi ngồi thêm ở chỗ làm. Tôi bỏ phiếu chống lại ông ta là để bảo vệ những ưu đãi xã hội. Tôi chống lại bất cứ sự cưỡng bách nào với tôi”. Có lẽ, tiếng nói này giải thích cho chúng ta được khá nhiều nguyên nhân của sự bùng nổ bạo loạn và thất vọng của nhiều công dân Pháp. Chính vì thế, theo báo ‘‘Observatuer”: ‘‘Sự lựa chọn Sarkozy làm tổng thống đưa đến những mối lo ngại tương phản. Có thể thấy trước được rằng, nhiệm vụ khó khăn nhất của ông ta là làm sao giải quyết được tình hình trên các khu ngoại ô đang cháy bỏng...”.

Tờ ‘‘Libération” (7/05/07) viết: ‘‘… Đa số những người chống đối ông có khuynh hướng hận thù và sợ hãi. Họ không đồng ý với chính sách mà ông đưa ra. Không nhiều thì ít, ông phải làm quen với điều này. Ông đừng lo ngại – cuộc cách mạng chống lại ông sẽ không nổ ra. Không ai muốn đầu ông bị đặt dưới máy chém. Thế nhưng, từ lý do này hay những lý do khác, nhiều người Pháp không muốn nhìn thấy nụ cười chiến thắng trên môi ông”.


Thiên đường xã hội chủ nghĩa... tư bản

Nicolas Baveres, nhà kinh tế cấp tiến Pháp nói: ‘‘Nước Pháp không còn lối thoát nào khác là phải ra khỏi mô hình kinh tế đang là cái dây thòng lọng. Không thực tế với xu thế toàn cầu hoá và sự cạnh tranh thì không có ý nghĩa gì. Theo thống kê, người Pháp nghèo hơn người Anh 12%, cũng tương tự so với người Mỹ hay Irland, còn nhà nước thì nợ ngập cổ”.

Khi còn ngồi ở ghế trường trung học tại Việt Nam, tôi đã được học về chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước châu Âu, đứng đầu là Liên Xô, còn Việt Nam thì luôn trong thời kỳ quá độ (?). Sau khi là nhân chứng của các hệ thống chủ nghĩa xã hội hiện thực tại Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary... và sự sụp đổ của toàn khối cộng sản châu Âu trong thời gian 1989-1991, tôi mới hình dung và nhận thức đầy đủ được sự yếu kém của các nền kinh tế tập trung kế hoạch. Thành quả thực sự của một xã hội xã hội chủ nghĩa (theo học huyết bị nhồi nhét) chưa kịp nhìn thấy thì đã nhận ra rằng, nền kinh tế bao cấp của các nước xã hội chủ nghĩa chỉ sau vài thập niên đã hết sức chịu đựng, rồi khủng hoảng nghiêm trọng và trượt dài trên dốc thẳng đứng cho tới lúc phá sản hoàn toàn.

Mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa đúng với ý nghĩa mà tôi được nghe, được học trên lý thuyết có thể nói không phải nằm ở phe cộng sản mà chính là mô hình được tạo nên tại các nước Bắc Âu thịnh vượng (Sweden, Norway) với dân số ít và các nước Tây Âu phát triển cao, giàu có như Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Bỉ, Áo... Thế nhưng, tất cả các nước này đều đứng trước những khó khăn bắt đầu từ thập niên 90 và đang phải tìm cho mình những cải cách cơ bản, cấp bách và nhức nhối. Của ăn, núi lở. Số người già ngày mỗi tăng (ví dụ nước Đức đã có khoảng 25 triệu người hưu trí trên 82 triệu dân số), làn sóng di dân ồ ạt từ các nước nghèo, sức ỳ và lười biếng của dân chúng lan rộng, cạnh tranh toàn cầu gay gắt, các nhà doanh nghiệp bỏ nước ra đi tìm những vùng đất có ưu đãi hơn về thuế và thị trường cởi mở v.v... Cái giá phải trả cho hệ thống bảo trợ phúc lợi đắt hơn nhiều so với cái mức mà người ta ảo tưởng rằng sự phồn vinh của quốc gia mình là vĩnh cửu.

Nước Pháp cũng nằm trong số này. Và như nhận xét của nhà báo Jakub Kumoch – có lẽ là thiên đường xã hội chủ nghĩa... tư bản cuối cùng tại châu Âu.

Nhiều người Pháp coi mô hình xã hội này là niềm tự hào dân tộc. Một tuần lễ làm việc của người Pháp chỉ có 35 giờ, nghỉ phép năm hơn 50 ngày. Với một người Pháp đang có công việc ổn định, chủ doanh nghiệp vô cùng khó khăn nếu muốn cho thôi việc, vì phải trả một khoản bảo hiểm cực lớn. Anh chàng này lại biết rất rõ rằng, nền Cộng Hoà Pháp V sẽ chẳng bao giờ để anh ta chết đói, mỗi tháng nhà nước tự động rót vào tài khoản của anh ta 400 €. Một người làm việc tại thư viện, có mức lương khá khiêm nhường ở nhiều nước, nhưng ở Pháp, khởi điểm là 2.000 € với quy chế viên chức nhà nước. Không ai dám đuổi việc anh ta, chỉ cần tàng tàng vừa làm việc vừa đọc sách trinh thám và sẽ được nghỉ hưu sau tuổi 50. Nhà nước Pháp đang có một đội quân viên chức tương tự như thế tới 5 triệu người. Đây là một tầng lớp xã hội được đặc biệt ưu đãi. Họ còn được các nghiệp đoàn bảo vệ. Những người làm việc 35 giờ mỗi tuần, khi chủ doanh nghiệp muốn cho thôi việc, ngoài số tiền bảo hiểm phải trả như đã nói ở trên, thì còn mất thời gian vài tuần cho các thủ tục và có thể bị đưa ra toà. Các doanh nghiệp người Pháp rất ngao ngán tuyển dụng công nhân, họ mang vốn đi tìm những nơi có sức lao động rẻ mạt mà không bị đe doạ bởi luật lao động của nước sở tại và áp lực của công đoàn như Trung Quốc, Việt Nam... Từ nhiều năm nay, mức thất nghiệp tại Pháp là 10%. Trong những khu nghèo ở ngoại ô Paris, hầu như ít ai có việc làm cố định.

Hậu quả của tình hình trên ai cũng có thể suy diễn được. Tiền không tự trên trời rơi xuống, những kẻ ăn không ngồi rồi hưởng phúc lợi thì những người khác phải trả bằng sức lao động của mình. Nước Cộng Hoà Pháp V đang cấp dưỡng rất ngọt ngào cho một đội quân đông đảo 1,5 triệu người chưa bao giờ làm việc ở đâu cả. Cứ ba người Pháp làm việc hiện nay thì nuôi hai người ngồi ở nhà chơi games hay tán gẫu trên các diễn đàn ảo hoặc đi bơi thuyền trên sông Seine. Tỷ lệ tuyển dụng của Pháp thấp nhất trong 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7). Tệ hơn, bình quân một người Pháp bỏ thời gian tại công sở hay hãng xưởng – do nghỉ phép dài, thời gian làm việc ngắn – mỗi năm tới 500 giờ ít hơn so với người Đức hay người Nhật. Nền kinh tế Cộng Hoà Pháp V từ lâu đã không khai thác nổi tiềm năng của mình...


Sarkozy có thay đổi được nước Pháp?

Đây là một câu trả lời rất khó. Không thể đổ lỗi hết những điều vô lý về hệ thống bảo trợ xã hội cho các chính quyền cánh tả. Từ năm 1988, quốc hội Pháp có ý định hạn chế tối đa trợ cấp cho những người chưa bao giờ làm việc ở đâu cả. Vào thời gian ấy, cả hai lần, phái De Gaulle và cấp tiến nắm đa số ghế tại hạ viện đã không đủ can đảm để huỷ bỏ. Tương tự, 5 năm cuối gần đây, họ cũng không làm gì để tăng thêm giờ làm việc trong tuần.

Tất cả các chính khách của Pháp ý thức rất rõ, một khi họ muốn thử cải cách một điều gì đó, họ sẽ mở chiến tranh với các công đoàn. Các công đoàn luôn luôn bằng mọi giá bảo toàn phúc lợi xã hội, thậm chí có thể làm nhà nước phá sản. Francine Blanche, thư ký công đoàn cánh tả CGT, một công đoàn thường tổ chức mạnh nhất các cuộc biểu tình, đình công lớn, nói với báo chí rằng, ‘‘Pháp là một nước giàu và tôi không nhìn thấy lý do để chúng tôi phắt cắt giảm quyền lợi xã hội”.


Dứt khoát giã từ quá khứ?
Nguồn: donylandes.hautetfort.com
--------------------------------------------------------------------------------

Liệu Sarkozy có định bỏ lửa vào mặt dầu loang mà các tổ chức công đoàn đã đổ rộng trên toàn nước Pháp? Cuộc họp mặt với các công đoàn ngày 14/05/2007 vừa qua trước khi nhậm chức tổng thống nhằm thoả thuận các dịch vụ tối thiểu khi bị đình công là một bước đầu ngăn chặn nước Pháp bị tê liệt?

Chúng ta hãy nhớ lại dữ kiện trong năm 2006, khi chính phủ của thủ tướng Dominique de Villepin bấy giờ muốn tự do hoá thị trường lao động đối với sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường bằng đạo luật hợp đồng lao động đầu tiên. Paris đã bị biến thành chiến luỹ của những cuộc biểu tình phản đối kéo dài không dứt bởi sinh viên đại học và sau đó được cả công đoàn ủng hộ. Tổng thống Chirac phải trì hoãn ký đạo luật, quốc hội từ do dự đến buộc phải lùi bước, dư luận giới hàn lâm, báo chí, xã hội cùng đồng thanh tạo bức tường thành vững chắc cho giới trẻ. Thủ tướng Dominique de Villepin kết thúc danh vọng chính trị với vài phần trăm ủng hộ!

Tân tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy liệu có đủ bản lĩnh để không cần phải nhớ tới kịch bản này? Gánh nặng trên vai ông bắt đầu từ hôm nay: 16/5/2007. Wait and see!


Warsaw, 15/05/2007

© DCVOnline

dcv

Aucun commentaire: