1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

samedi 26 mai 2007

Vừa đi đường vừa kể chuyện - HCM-T Lan (2)

Vừa đi đường vừa kể chuyện
T. Lan

Vừa đi đường vừa kể chuyện - HCM-T Lan (1) (2) (3)

2
Hôm ấy mới bốn giờ chiều, nhưng đã đi được ngót 40 cây số. Bác và chúng tôi vào nghỉ ở một xóm đồng bào Nùng.

Chúng tôi đang mở ba lô sắm sửa nấu ăn, thì bỗng nghe đồng bào trong xóm bảo nhau: “Ra xem tù binh! Ra xem tù binh!” Chúng tôi cũng theo ra xem.

Một tốp hơn một trăm tên vừa quan vừa lính của tiểu đoàn Sác-Tông, do một tiểu đội ta giải đi, đang kéo qua làng. Số đông chúng chỉ mặc áo lót, quần lót, vì trước đây vài hôm, chúng đã bị quân ta đánh úp, không kịp trở tay, cũng không kịp mặc áo. Tên nào cũng mặt mày khờ khạo, râu ria xồm xoàm. Có tên dù không bị thương cũng đã đi cà nhắc. Bao nhiêu “khí thế yêng hùng” của bọn lê dương của “quân đội đại Pháp” đều biến mất hết. Trước kia chúng ngang tàng dữ tợn bao nhiêu, thì bây giờ chúng càng mếu máo tiều tuỵ bấy nhiêu, chúng đã trở nên một đàn người chẳng nên người, ngợm không ra ngợm.

Trong đám chúng có một tên ở trần, áo lót cũng không có. Hoàng hôn ở vùng rừng thì trời bắt đầu rét, nó chạy co ro. Chạnh lòng thương hại, Bác cởi vất cho nó một cái áo. Nó chắp tay vái và miệng lẩm bẩm: “Cám ơn ngài! Cám ơn ngài!” Bác bảo nó: “Thôi, đi đi!”.

Anh em bộ đội cho biết rằng: bọn tù binh Pháp sợ hãi ghê lắm. Chúng sợ chết. Theo chính sách của Đảng và Chính phủ, ta đối đãi tù binh một cách nhân đạo. Nhưng ta cho chúng ăn uống khá, thì chúng sợ rằng “Việt Minh nuôi cho béo, rồi mới giết”. Sau khi giải thích cho chúng hiểu chiến tranh xâm lược là phi nghĩa, Việt Nam nhất định thắng, thực dân nhất định thua - ta thường thả một số tù binh. Được thả chúng cũng sợ rằng “Việt Minh sẽ phục kích chúng trong rừng để khỏi phải nuôi tốn gạo”. Sở dĩ như vậy là vì chúng đã bị thực dân tuyên truyền nhồi sọ: “Lính Pháp thà chết còn hơn, nếu lọt vào tay Việt Minh thì sẽ bị móc mắt, cắt tai, chặt đầu, mổ bụng…”.

Những tù binh được ta thả, về đến đơn vị chúng bị nhốt lại rồi tống về Pháp ngay. Bọn chỉ huy Pháp sợ họ tuyên truyền chống chiến tranh.

Dù sao, chính sách nhân đạo của ta đã có ảnh hưởng tốt, nhất là đối với binh lính người châu Phi. Từ khi họ biết ta đối đãi tốt những tù binh người Phi, thì trong các cuộc càn quét, họ không hung ác như trước, có khi họ còn tỏ đồng tình với đồng bào ta…

Tối hôm nay chúng tôi nghỉ ở nhà cụ Thèng, đồng bào Nùng. Nhà sàn rộng rãi, sạch sẽ, nhưng trống trải. Như để trả lời câu hỏi mà chúng tôi chưa thốt ra, cụ Thèng nói: Vùng này đồng bào triệt để làm “vườn không, nhà trống”. Của cải lương thực đều đưa hết vào lán trong rừng, phòng giặc Pháp cướp phá. Bây giờ giặc thua rồi, ta thắng rồi, đồng bào bắt đầu dọn về nhà…

Cụ Thèng đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn mạnh khoẻ và nhanh nhẹn. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết rằng cả nhà này đều tham gia kháng chiến. Cụ Thèng là phó đội trưởng du kích xã. Cụ bà là “mẹ chiến sĩ”. Anh cả đã hy sinh oanh liệt trong trận đầu tiên trên đường số 4. Anh hai và anh ba đang ở bộ đội. Hai cô dâu đều là đội viên dân quân du kích. Cô Kim con gái thứ tư làm y tá, rất gan dạ trong khi cứu chữa thương binh, đã được khen thưởng nhiều lần. Con trai thứ năm là em Pồn, mười ba tuổi và con gái út là em Hoà mười tuổi, đều làm “Liên lạc viên”.

Thật là “một nhà trung hiếu, muôn thuở thơm danh!”. Độ bẩy giờ tối, ông cụ mang súng đi tuần, Pồn và Hoà đi học, tay cặp sách, tay xách đèn, cái đèn thắp dầu hoả, làm bằng lọ mực. Khắp vùng này cũng như nhiều nơi khác, để tránh máy bay địch, trường học chỉ vào ban đêm. Khoảng bảy giờ tối, từng toán nhi đồng dắt nhau đi học, em nào cũng xách một cái đèn. Từ xa trông lại, hàng chục cái đèn biến thành một con rồng lượn trên đồng lúa, nương bông. Vừa vui mắt vừa cảm động. Cảm động vì gặp hoàn cảnh khó khăn mấy, con em ta cũng vẫn cố gắng học.

Cũng như thường lệ, sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm (cả nhà cụ Thèng đã đi công tác từ lâu), nấu cơm gói vào mo cau để ăn trưa. Bác cháu mỗi người ăn một bát lót bụng rồi thong thả lên đường.

Ở vùng này, lúc hoàng hôn và lúc tảng sáng, phong cảnh rất nên thơ. Gió rừng thổi vi vu làm cho các cành cây đu đưa một cách nhẹ nhàng yểu điệu. Mặt trời chênh chênh rọi xuống, biến ức triệu giọt sương trên lá cây ngọn cỏ thành những hạt ngọc nhấp nháy, lung linh. Những con suối trong vắt chảy róc rách, hoạ vần với giọng ca líu lo của hàng nghìn, hàng vạn chim rừng. Nhiều khi ngửi thấy mùi thơm của hoa và nhựa cây từ xa bay đến, phảng phất và nhẹ nhàng. Trên trời xanh biếc có vài đám mây trắng đủng đỉnh bay, giống hệt những chiếc thuyền buồm khoan thai lướt trên mặt biển. Bên ven rừng, hàng vạn con bướm nho nhỏ vàng vàng bay phấp phới như muốn thi đua với khách đi đường. Như để làm cho phong cảnh thiên nhiên càng thêm màu, thêm vẻ, mấy chú bé cưỡi trên lưng những con trâu béo núc na núc ních, em thì hò hát, em thì giở sách chăm chú ôn lại bài học tối hôm qua. Khó mà nói đó là bài thơ trong bức vẽ, hay là bức vẽ trong bài thơ.

Trong những lúc đó, nếu không gặp những tốp tù binh Pháp, không gặp những đơn vị bộ đội ta đang phấn khởi tiến lên mặt trận và đồng bào dân công đang hăng hái vận tải tiền tệ - thì người ta có cảm giác đang sống trong một thế giới thanh bình!

Tiếp tục câu chuyện hôm qua, Bác nói: “Tuy bọn Quốc dân Đảng khủng bố tợn, Bác vẫn nán ở lại Quảng Châu một thời gian, vì Bác cần bí mật liên lạc với đồng chí Trung Quốc và cần duy trì công việc của Hội “Thanh niên Cách mạng Đồng chí”. Nhưng một đêm đã canh khuya, vào đầu tháng 5/1927, đồng chí Lĩnh (người Việt Nam, tốt nghiệp tại trường Quân quan Hoàng Phố, làm việc ở Sở Công an) đến báo tin: “Chúng sắp bắt anh đấy! Tính thế nào, anh phải tính nhanh đi!”, “36 chước, chước chuồn là hơn”, Bác liền bí mật đi Hương Cảng.

Đến Hương Cảng bị sở mật thám Anh xét hỏi. Cũng như đối với mật thám Pháp, mật thám Ý, lần này gặp mật thám Anh, Bác cũng đối phó xong xuôi, dù lần này khó khăn hơn nhiều. Chúng bảo Bác phải rời khỏi Hương Cảng trong 24 giờ.

Lên Thượng Hải, bọn Quốc dân Đảng cũng khủng bố gắt. Để che mắt mật thám, Bác mặc thật bảnh, ở khách sạn thật sang. Nhưng mưu mô ấy không thể kéo dài, tốn tiền quá.

Chỉ còn một cách là chạy về Tổ quốc cách mạng - chạy về Liên Xô. Bác làm việc một thời gian ở Mốt-cu và ở Bá Linh rồi ở Pa-ri. Cố nhiên lần này không đến gặp quan thượng thư thuộc địa và phải hết sức khéo léo lánh mặt những người “bạn” mật thám Pháp đã quen thuộc năm xưa… Bác được phái đi dự cuộc hội nghị quốc tế “chống chiến tranh đế quốc” ở Bơ-rúc-xen, thủ đô nước Bỉ. Đến ga xe lửa thì Bác gặp đồng chí Xan Ca-ta-da-ma, người sáng lập Đảng Cộng sản Nhật. Vì tuổi già đồng chí được đoàn thể cấp cho vé xe hạng nhất. Khi thấy Bác đi hạng ba, mặc dù Bác khẩn khoản mời đồng chí cứ đi hạng nhất cho khoẻ khoắn, đồng chí Xan Ca-ta-da-ma là một người thợ nhiều nghề, đấu tranh đã nhiều, lênh đênh không ít, tính rất kiên quyết đồng thời rất hiền lành.

Đến dự hội nghị, có nhiều đại biểu các nước thuộc địa và đại biểu mấy đảng cộng sản các nước đế quốc. Ở hội nghị Bác có gặp người chiến sĩ lão thành yêu nước là cụ Nê-ru, thân sinh của Thủ tướng Nê-ru.

Sau hội nghị ít lâu, Bác đi Thuỵ Sĩ, sang Ý để dần dà đi về Tổ quốc.

Thuỵ Sĩ là một nước nhỏ, chỉ rộng hơn 41.000 cây số vuông, với hơn năm triệu dân. Vì ở vào giữa ba nước Pháp, Đức, Ý cho nên người Thuỵ Sĩ nào cũng biết ba thứ tiếng: nói chung thì trình độ văn hoá khá cao. Phong cảnh rất đẹp, có núi An-pơ cao hơn 4.000 thước và tuyết phủ suốt đời. Có hồ Giơ-ne-vơ mênh mông, dài 70 cây số, rộng 12 cây số, sâu hơn 800 thước, v.v… Mỗi năm có hàng chục vạn người nước ngoài đến thăm, “lữ hành” là một nguồn lợi lớn, được coi như một công nghiệp.

Hồi đó, Ý đang bị bọn phát xít Mút-xô-li-ni thống trị. (Mút-xô-li-ni cướp chính quyền năm 1922, bị nhân dân xử tử năm 1945). Ở các hiệu môn, các trường học, các cơ quan, các nhà tù, hai bên đường… nơi nào cũng treo ảnh Mút-xô-li-ni với những cái mũ khác nhau. Khi thì như đô đốc hải quân. Khi thì như đại nguyên soái. Khi thì như tổng tư lệnh không quân. Khi thì như quận công thủ lĩnh tối cao của đảng phát xít… Nhưng bộ mặt vênh vang dễ ghét thì bao giờ cũng không thay đổi.

Khi thấy Bác xin giấy phép đi qua nước Ý, cơ quan phát xít hỏi nhiều câu lôi thôi. Đến biên giới công an biên phòng phát xít giở xem quyển “từ điển chống cộng quốc tế” dày khoảng 2.000 trang, ghi tên tuổi những người cách mạng (tiếp trang 31) các nước từ chữ A đến chữ Z. Không thấy tên mới của Bác trong đó, chúng chào lễ phép và nói: “Mời ông cứ đi!”.

Đến phía Bắc nước Ý, Bác ghé vào xem hội chợ ở Mi-lan, một thành phố buôn bán phồn thịnh nhất nước Ý. Ở đó có một cái tháp cao, ai muốn lên tháp xem phong cảnh chung quanh thì phải mua vé. Bác chào ông cụ già gác tháp và hỏi bằng tiếng Ý: “Sao cụ, đời sống thế nào?”. Nhìn trước nhìn sau không có ai, ông cụ thở dài và nói: “Ôi khổ lắm ông ạ. Biết bao giờ sẽ chấm dứt chế độ này…!”.

Khi đi xem phong cảnh thủ đô Rôm, Bác bị hỏi giấy và bị đưa về sở công an. Cũng nhờ bị bắt mà Bác hiểu thêm cách thống trị của phát xít. Trên các đường phố, cứ cách độ 100 thước, thì có một tên mật thám. Cách 500 thước thì có một tên tổ trưởng mật thám. Tên mật thám hỏi giấy và bắt Bác hầu như mù chữ. Tại sở mật thám, chúng ra vẻ rất lễ độ. Tên trưởng phòng đứng dậy bắt tay Bác mời Bác ngồi và mời Bác hút thuốc, rồi hỏi những câu bâng quơ. Người ít kinh nghiệm thì dễ rơi vào cạm bẫy của chúng…

Rôm là một thủ đô khá đẹp, với khoảng hai triệu nhân dân, có nhiều di tích lịch sử gần 3.000 năm. Hầu như đường phố nào cũng có một nhà thờ Công giáo, hoặc to, hoặc nhỏ. Thành phố xa hoa, nhộn nhịp “ngựa xe như nước, áo quần như nen”. Nhưng người thường dân thì cực khổ, vì giá sinh hoạt thì đắt đỏ, và thuế khoá nặng nề. Ngủ khách sạn một đêm cũng phải nộp thuế. Ăn một đĩa súp cũng phải nộp thuế. Đi xem chiếu bóng cũng phải nộp thuế. Một bạn công nhân Ý nói khẽ với Bác: “Người Ý từ lúc còn ở trong bụng mẹ cho đến sau khi vào quan tài, động một chút là phải nộp thuế!”.

Bên cạnh Rôm có thành phố Va-ti-can, là cung điện của Giáo hoàng, đại bản doanh của đạo Thiên chúa. Ở đó có nhiều nhà thờ và lâu đài rất nguy nga đồ sộ. Bộ đội của Giáo hoàng canh gác nơi đây vẫn ăn mặc như lính phong kiến cách đây hơn 300 năm, khi nhà thờ đòi đốt sống ông Ga-li-lê nếu ông không chịu bỏ cái lý thuyết rằng quả đất xoay vần.

Rất đông khách nước ngoài đến xem Va-ti-can, nhất là những ngày có cúng lễ lớn thì có đến hàng chục vạn người. Dân cư chính cống ở thành phố này không đầy 1.000 người, số đông là nhân viên của toà thánh. Viện bảo tàng có trưng bày những gông cùm mà trước đây nhà thờ dùng để phạt những người dân thiếu thuế thiếu nợ. Có một cái guồng xe như cái đu tiên, người ta trói ngửa người bị phạt vào đó, cột chặt mình mẩy và chân tay vào guồng xe, rồi vừa đánh vừa quay tít thò lò…!

Bác đến cửa biển Náp-lô, đi xem núi lửa Vê-xu-vơ và di tích Pom-pê-i. Đời xưa Pom-pê-i là một thành phố nghỉ mát của người Rô-manh. Cách đây khoảng 1.880 năm, Pom-pê-i bất thình lình bị tro và bùn núi lửa Vê-xu-vơ vùi lấp hết. Về sau người ta đào lên dần dần. Ngày này dấu tích nhà cửa vẫn còn. Nhiều bức vẽ trên tường ghi tả đời sống xa hoa, dâm dật của bọn quý tộc - màu sắc vẫn còn tươi đẹp. Núi lửa Vê-xu-vơ không dữ tợn như trước, nhưng vẫn phun khói mù trời.

Bác đáp tàu Nhật Bản đi sang Xiêm. Ở Xiêm Bác giúp kiều bào chỉnh đốn thêm những đoàn thể yêu nước, và tổ chức trường dạy học các trẻ em. Kiều bào ở Xiêm có thể chia làm ba hạng: (A) là những đồng bào nghèo - số đông từ hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị sang Xiêm buôn bán kiếm ăn. (B) là cháu chắt những đồng bào theo đạo Thiên chúa bị triều đình Minh Mạng và Tự Đức khủng bố, chạy trốn sang Xiêm. Những kiều bào này ở tập trung thành từng xóm, từng làng. Họ vẫn nói tiếng Việt và ăn mặc như người Việt dù họ đã lấy quốc tịch Xiêm. (C) là những người đã tham gia phong trào Văn thân ngày trước và phong trào cách mạng ngày nay, bị thực dân Pháp khủng bố mà chạy sang đây. Khi đông người thì ở tập trung từng xóm, ít người thì ở xen lẫn với kiều bào cũ.

Nói chung, kiều bào đều đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, nhớ thương Tổ quốc, và căm thù thực dân. Có những cán bộ rất tận tuỵ và được kiều bào tin cậy.

Bà con Xiêm đối với kiều bào ta cũng tử tế. Chuyện sau đây chứng tỏ tình cảm tốt của người Xiêm đối với kiều bào: Cụ Tú Hướng (em cụ Đặng Nguyên Cẩn) là một người cách mạng già rất gương mẫu. Một hôm, thực dân Pháp phải cho mật thám sang yêu cầu chính phủ Xiêm bắt giam cụ Tú cho chúng. Viên quan địa phương cho mời cụ Tú đến trụ sở và hơn mười cụ già Xiêm đều da đen, người thấp, râu bạc, giống hệt cụ Tú, rồi bảo tên mật thám Pháp: “Đấy ông xem ai là Tú Hướng thì ông bắt đi. Nhưng nếu ông bắt nhầm người công dân Xiêm, thì ông sẽ phải chịu phạm luật quốc tế!”. Tên mật thám nhìn kỹ, thấy ông già nào cũng giống nhau, nó không nhận ra ai là cụ Tú. Kết quả là nó phải cụp đuôi chuồn không dám bắt ai.

Ở Xiêm khoảng một năm, Bác được tin Hội "Thanh niên Cách mạng Đồng chí” sẽ chia thành ba phái và tổ chức ba đảng cộng sản khác nhau. Nóng ruột Bác lại bí mật trở về Trung Quốc và mời đại biểu ba phái đến Hương Cảng họp hội nghị. Đến dự hội nghị có Bác và các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Tản Anh, Nguyễn Đức Cảnh…

Để giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh “mạc chược” ở khách sạn, hôm thì đến sân vận động xem đá bóng. Sau mấy buổi bàn cãi sôi nổi, đến ngày 3/2/1930 (vào dịp Tết âm lịch) ba phái đều đồng ý thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi người đều vô cùng vui mừng, phấn khởi. Để chúc mừng Đảng ra đời, Bác đãi một bữa Tết Nguyên đán vừa tiết kiệm, vừa linh đình.

Bác nói: Từ năm 1918, Bác gửi cho Hội nghị Vec-xa (hội nghị hoà bình giữa các nước dự cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, họp ở Pháp) tám khoản yêu cầu của nhân dân Việt Nam, đến năm 1920 - vào Đảng Cộng sản Pháp, đến năm 1924, dự Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản và năm 1930 - dự cuộc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là những ngày sung sướng nhất trong đời Bác.

Từ đó, giai cấp công nhân Việt Nam có Đảng tiên phong của mình, và ngay từ đầu Đảng đã nắm quyền lãnh đạo cách mạng. Tin mừng về việc thành lập một đảng cộng sản thống nhất làm cho cán bộ đảng viên và nhân dân ta vô cùng phấn khởi và từ đó cuộc vận động cách mạng ào ạt tiến lên từ Bắc đến Nam.

Sau đó, Bác sang Xiêm và Mã Lai… Trở lại Hương Cảng được ít lâu, thì bị đế quốc Anh bắt giam.

Nghe câu chuyện đến đây, chúng tôi rất hồi hộp. Nhưng xem đồng hồ vừa đúng 1 giờ. Cũng vừa gặp một con suối quanh co với những tảng đá lô nhô, nước chảy trong vắt, hai bên bờ có nhiều cây cổ thụ rải bóng mát êm đềm như những bức màn khổng lồ. Thiên nhiên như tỏ ý ân cần mời khách đi đường tạm nghỉ bước. Bác cháu chúng tôi ăn cơm nắm xong, rồi với thú vị “màn trời chiếu đất” ngủ trưa một giấc ngon lành.

Muốn biết câu chuyện phát triển thế nào, xin các bạn chờ xem kỳ sau viết tiếp.

Chúng tôi hồi hộp nghe Bác kể chuyện bị bắt ở Hương Cảng như sau:

Ngày xưa giai cấp thống trị nước Anh có truyền thống đối đãi “khoan hồng” với những người cách mạng nước ngoài. Ví dụ:

Người thầy cộng sản của chúng ta là Các Mác bị chính phủ Đức đuổi ra khỏi nước, rồi bị chính phủ Pháp đuổi. Nhưng đến Luân Đôn thì chính phủ Anh để ông Mác ở yên suốt đời.

Sau khi Công xã Pa-ri thất bại (1871), bọn phản động Pháp khủng bố dữ. Nhiều lãnh tụ công xã lánh nạn san Anh, chính phủ Anh cũng để họ làm ăn yên ổn.

Tháng 7/1903, Đại hội lần thứ hai của Đảng Lê-nin (hồi đó gọi là Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ nước Nga) họp ở Luân Đôn. Khi đại hội hết tiền ăn, một người tư sản Anh đã cho đại hội mượn tiền để tiếp tục khai hội.

Đối với những người cách mạng nước ngoài, chính phủ Anh chỉ đặt một điều kiện: “Các người tuyệt đối chớ động đến nội chính của nước Anh”.

Nhưng từ ngày Cách mạng tháng Mười thành công, cộng sản trở nên một phong trào mạnh trên thế giới, thì giai cấp thống trị Anh không “dễ dãi” với những người cộng sản.

Bác nói tiếp: Hoạt động cách mạng bí mật phải hết sức cẩn thận để tránh bị bắt. Nhưng đồng thời phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng đối phó nếu không may mà bị bắt. Nếu bị bắt thì nguyên tắc bất di bất dịch là: Thà chết chứ quyết không nói gì, làm gì có hại cho cách mạng.

Năm 1931 là năm phong trào chống Nhật lên cao trong quần chúng nhân dân Trung Quốc, cũng như là năm Quốc dân Đảng và bọn đế quốc khủng bố tợn. Nhiều người cách mạng bị bắt ở Trung Quốc, ở Phi-lip-pin, ở Mã Lai, ở Hương Cảng… Các đồng chí Việt Nam như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Minh Khai, v.v… người thị bị bắt ở Hương Cảng, người bị bị bắt ở Thượng Hải, ở Quảng Châu…

Ngày 6/6/1931, Bác bị bắt ở số nhà 186 Phố Tam Lung (Cửu Long). Sau đó cảnh sát Anh bí mật bao vây dãy phố ấy mấy tuần hòng đặt “bẫy chuột” để bắt đồng chí qua lại với Bác. Nhưng kết quả không bắt được ai. Gian nhà Bác ở thì bị chúng lật hết từng bức tường, từng viên gạch, dùng chất hoá học nghiên cứu, để tìm tài liệu bí mật. Nhưng cũng không tìm được gì.

Những người cách mạng Trung Quốc bị bắt ở Xiêm, Mã Lai, Phi-lip-pin và các nơi khác đều bị đưa về Hương Cảng. Đối với họ, cũng như đối với những người cách mạng bị bắt ở Hương Cảng, đế quốc Anh chỉ giam giữ ít lâu, tra khảo, lấy khẩu cung, rồi đuổi ra khỏi cảng, chứ không phạt tù đầy.

Thật là “khoan hồng”! Nhưng một khi bước chân xuống thuyền (Hương Cảng là một hòn đảo, chung quanh là biển, muốn đi bất kỳ nơi nào khác, cũng phải đi thuyền), thì hầu hết những đồng chí được “trục xuất cảnh” đều bị bọn đặc vụ Quốc dân Đảng bắt ngay.

Bác vào nhà giam vài hôm, thì đồng chí Hồ Tùng Mậu bị đưa ra nhà giam để “trục xuất cảnh”. Nhân dịp đó đồng chí Mậu báo cho luật sư Lô-dơ-bi (chủ nhiệm công ty luật sư RUSS, của người Anh) biết tin Bác bị bắt, và nhờ ông ta giúp Bác.

Ông Lô-dơ-bi vào nhà giam gặp Bác và nói ông sẽ ra sức cãi hộ cho Bác.

Bác nói không có tiền để trả phí tốn cho công ty.

Ông Lô-dơ-bi nói: “Tôi biết ông là một lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Tôi cãi hộ ông là vì danh dự chứ không nhất thiết chỉ vì tiền…”.

Từ đó, vợ chồng ông Lô-dơ-bi hết lòng giúp đỡ Bác về đời sống trong nhà tù cũng như về vụ án kiện. Cũng do ông Lô-dơ-bi mà các đồng chí Pháp và Hội Quốc tế Cứu tế đó biết rõ tình hình của Bác.

Được tin Bác bị bắt, thực dân Pháp ở Việt Nam vui mừng và hoạt động tợn. Chúng phái cả bầy mật thám sang chầu chực ở Cảng. Chúng vận động chính phủ, toà án và cảnh sát Anh dùng mọi cách để trao Bác cho chúng. Chúng phái tàu thuỷ chờ sẵn ở Cảng, nếu toà án ký lệnh “trục xuất" là chúng tóm Bác đưa lên tàu chở về Việt Nam ngay. Chúng cho rằng lần này chúng sẽ thực hiện được lời đe doạ của quan thượng thư thuộc địa đã nói mười năm trước đây: tức là bẻ gãy những người cách mạng Việt Nam.

Chính phủ Cảng cũng muốn bí mật trao Bác cho thực dân Pháp. Nhưng luật sư Lô-dơ-bi làm cho việc Bác thành ra công khai và đòi Toà án tối cao phải xét xử.

Một mặt do bọn thực dân Pháp tuyên truyền Bác là một người Bônsêvích cực kỳ nguy hiểm; mặt khác do công an Cảng vu cáo Bác có âm mưu lật đổ chính quyền người Anh ở xứ này - thành thử dư luận cho rằng đây là một vụ án quan trọng nhất từ trước đến nay chưa từng có ở Cảng!

Từ tháng 6 đến tháng 9, toà án họp 9 phiên. Mỗi phiên họp đều có cảnh sát vũ trang Anh và Ấn Độ gác khắp các cửa ra vào.

Trong các phiên toà có nhiều quan chức cao cấp đến xem. Vai chính là:

2 vị chánh án và phó chánh án

2 vị công tố, thay mặt “nhà vua” buộc tội

2 vị luật sư cãi hộ cho Bác.

Các vị này đều mặc áo thụng đen và mang tóc giả theo lối đời xửa đời xưa. Trên bàn trước mặt mỗi vị có những chồng sách to tướng về luật lệ. Họ luôn luôn giở sách để dẫn chứng những lời họ trình bày, thật là “nói có sách, mách có chứng”.

Ông Lô-dơ-bi ngồi ở bàn và Bác ngồi trong vành móng ngựa đều không được nói gì hết. Khi muốn trao đổi ý kiến với nhau, hoặc với thầy kiện, thì chỉ việc tóm tắt trên một miếng giấy nhỏ.

Lý lẽ của các thầy kiện tóm tắt là:

Việc bắt giam Bác là trái phép, vì Bác bị bắt giam từ hôm 6/6/1931, nhưng đến hôm 12/6, tổng đốc Anh mới ký lệnh chính thức cho phép bắt.

Người công chức lấy cung đã làm trái phép vì y đã hỏi Bác những điều ngoài khuôn khổ pháp luật đã quy định hỏi.

Buộc Bác phải đáp tàu Pháp đi về Đông Dương, tức là cố ý giao Bác cho Pháp để chúng giết Bác, thế là trái phép.

Hai điểm trên, chính phủ và công tố đã phải nhận sai lầm. Nhưng quan toà và công tố vẫn quyết định đuổi Bác về Đông Dương.

Ông Lô-dơ-bi chống án lên “Hội đồng Nhà vua” và nhờ luật sư Nô-oen Pơ-rít( Nowell Prit) ở Luân Đôn cãi hộ cho Bác.

Đến tháng 2/1933, gần Tết âm lịch, “Hội đồng Nhà vua” xoá án và ra lệnh: Cho phép Bác tự do đi đâu thì đi, miễn là ra khỏi Hương Cảng.

Thế là thắng lợi bước đầu! Nhưng đi đâu? Đi thế nào cho thoát? Nếu không khéo thì ra khỏi nhà giam sẽ rơi vào tay thực dân Pháp.

Bà Lô-dơ-bi nhờ một người bạn mua hai vé tàu thuỷ hạng nhất…

Hôm đó, một chiếc tàu nước ngoài (từ Hương Cảng qua Thượng Hải đi Nhật Bản) mới nhổ neo đi ra biển độ ba cây số thì được lệnh phải đỗ lại…

Chiếc ca nô riêng của Tổng đốc Hương Cảng đưa một vị thân sĩ Trung Quốc vào một phòng hạng nhất trên chiếc tàu ấy…

Tàu đến Hạ Môn thì vừa đúng 30 Tết âm lịch. Nhận lời mời của bầu bạn, vị thân sĩ Trung Quốc lưu lại ăn Tết ở Hạ Môn…

Sau 20 tháng gian lao nguy hiểm, một lần nữa Bác lại thoát khỏi âm mưu độc ác của thực dân Pháp và tạm thời đánh lạc hướng của chúng.

Thắng lợi này phần rất lớn là nhờ sự hết lòng giúp đỡ của ông bà Lô-dơ-bi.

Tức tối vì không bắt được Bác, giận dữ đối với người Anh, các báo thực dân Pháp bịa đặt ra tin rằng: Bác mắc bệnh lao trong nhà lao Anh, và đã chết rồi.

Các báo Anh liền quật lại, đại ý như sau:

“Các anh là những người hèn hạ, ngậm máu phun người. Các anh run sợ trước một người cách mạng Việt Nam nhưng không làm gì được. Người cách mạng đó đã được toà án Anh tha rồi và đã xa chạy cao bay. Vì các người muốn bôi nhọ công lý và danh dự của người Anh, mà bịa đặt rằng người cách mạng đó chết là bị người Anh giam giữ. Sự thật là người Việt Nam ấy vẫn sống. Mà sự hy vọng vô lý của các anh thì chết rồi”.

Các báo Anh nói thêm: “Việc người cách mạng Việt Nam được trắng án là một danh dự lớn cho luật sư Lô-dơ-bi và của công lý nước Anh. Nhưng thiên hạ cũng phải công nhận rằng một người Việt Nam ấy được may mắn còn biết bao nhiêu người khác không được may mắn mà bị xử oan…”

Nghe câu chuyện đến đây, anh em chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng cả người. Một lần nữa Bác lại thoát khỏi cơn nguy hiểm. Bác sĩ Chân liền hỏi:

“Thưa Bác, trong khi bị bắt giam, tình trạng tinh thần và vật chất của Bác thế nào?”

Bác xem đồng hồ nói: “Sáng nay, chúng ta đã đi được nửa đường rồi. Các chú xem có chỗ nào tốt, chúng ta nghỉ chân và ăn cơm, rồi Bác sẽ tiếp tục kể chuyện.”

Khám lớn Hương Cảng rất to rộng, gọi là ngục Vích-tô-ri-a. Vích-tô-ria là một vị vua đàn bà Anh nổi tiếng trị vì 64 năm, thọ 82 tuổi (1819-1901).

Nhà giam Bác có ba tầng, mỗi tầng hai dãy xà lim. Cách xây dựng xà lim không xứng kích thước phổ thông chút nào! Bề cao 3 thước tây, mà bề ngang chỉ hơn một thước, bề dọc không đầy hai thước, bề rộng chỉ vừa một người nằm xiên xiên. Cao chót vót trên đầu tường chỉ có một cái cửa sổ nhỏ hình nửa mặt trăng lờ mờ, bị song sắt và lưới sắt bưng bít. Ban ngày từ cửa sổ ấy ánh sáng lọt vào xà lim một cách rụt rè, bỡ ngỡ. Cửa xà lim bằng ván gỗ dày độ một gang tay và bọc sắt; ở chỗ cao ngang đầu người có một lỗ tròn, phía trong rộng, phía ngoài hẹp, như một cái loa. Chốc chốc tên lính gác ngục (người Ấn Độ, người Xíc và người Anh) ghé mắt vào lỗ xem xét tình hình người tù trong xà lim.

Mỗi ngày, tù được ra ngoài xà lim 15 phút, đi dạo quanh một cái sân hẹp. Bốn phía sân đều là nhà giam cao ngất nghểu với những bức tường kín mít, âm u, người ta cảm thấy như đi dạo đáy một cái giếng. Ngửng đầu lên thì chỉ trông thấy trời rộng bằng một chiếc khăn tay. Ở trong xà lim ngột ngạt, ra ngoài xà lim cũng vẫn ngột ngạt.

Mỗi ngày ăn hai bữa cơm gạo xay, một phần tư là thóc. Hôm nay, thức ăn bữa sáng có rau muống, bữa chiều có mắm thối hoặc cá ươn. Hôm sau, để thay đổi “khẩu vị”, bữa sáng có mắm thối hoặc cá ươn, bữa chiều có rau muống. Mỗi tuần được ăn một bữa tiệc: một phần cơm trắng cùng vài miếng thịt bò.

Cùng giam với Bác đều là những người bị bắt vì chính trị. Những người phạm tội khác bị giam riêng. Dù cực khổ và có lẽ cái chết đã treo sau ót, những người tù cách mạng không hề tỏ vẻ lo sợ, họ vẫn vui cười như thường. Tối nào đến giờ đi ngủ, họ cũng hát vang Quốc tế Ca và nhiều bài cách mạng khác, bất chấp bọn lính gác ngục đe doạ la lối om sòm.

Đời sống vật chất trong nhà tù, tóm tắt là như vậy. Mấy tháng về sau, vì sức yếu và nhờ có ông Lô-dơ-bi vận động, Bác được đưa vào nhà thương, điều kiện ăn ở có dễ chịu hơn.

Khi bị bắt giam, trong tâm trạng chỉ có một điều là lo. Không phải lo số phận mình sau này sẽ ra sao, vì sẵn biết rằng kết quả cuối cùng chỉ có thể hoặc là sẽ bị bọn thực dân thủ tiêu, hoặc là sẽ thoát khỏi xiềng xích, trở lại hoạt động cách mạng. Lo là lo những công việc mình làm chưa xong, ai sẽ tiếp tục làm thay? Ít nhiều kinh nghiệm mình đã gom góp được, làm thế nào để truyền lại cho đồng chí khác? Những nối mạch và những địa điểm chỉ có mình biết, từ nay ai sẽ xây dựng lại?… Đảng ta tuy mới thành lập nhưng uy tín đã cao, đấu tranh đã mạnh, giai cấp công nông đều trông vào sự dìu dắt của Đảng; đồng thời bọn thực dân ra tay khủng bố, nhiều đồng chí bị bắt và bị hy sinh, nhiều tổ chức bị phá vỡ - từ nay công tác của Đảng sẽ tiến hành ra sao? Ai sẽ hướng dẫn những đảng viên mới, anh dũng có thừa những kinh nghiệm còn thiếu? Lo hết việc này, lại lo đến điều khác. Chỉ lo suông mà không giải quyết được cho nên:

“Ngổn ngang trăm mối bên lòng
Ngủ không ngon giấc ăn không ngon mồm.”

Lo chán lại đặt kế hoạch: Nếu được trở lại tự do, đối với công việc Đảng ta sẽ tăng cường điểm này, cuộc vận động công nhân và nông dân ta sẽ cải tiến cho họ: việc tổ chức thanh niên và phụ nữ ta phải sửa đổi chỗ kia… Biết bao nhiêu là kế hoạch chủ quan, mình tự đặt ra, rồi mình lại thảo luận, bàn cãi với mình. Nếu người ngoài nhìn thấy vậy có thể cho Bác là đãng trí, lẩm cẩm. Sự thật là một người đang hoạt động sôi nổi, bỗng nhiên bị nhốt lại một mình trong một cái xà lim âm thầm kín mít, ngày này qua tháng khác không được nói năng gì với ai, không ai được nói năng gì với mình – trong hoàn cảnh đó, muốn cho khỏi đãng trí thì chỉ có một cách là đặt ra chuyện mà lo tính và tính lo cho khuây khoả và giữ cho đầu óc cứ hoạt động như thường.

Còn một cách tiêu khiển nữa là gây chiến tranh với rệp, hoặc là xem kinh thánh Cơ đốc. Kinh thánh Cơ đốc là một thứ sách được khuyến khích xem trong nhà tù. Dù sao, đối với công cuộc và tương lai của cách mạng Bác quyết không hề bi quan, luôn luôn lạc quan.

Hồi đó, ở khám lớn Vích–to–ri–a có vài chuyện thú vị.

Anh Lý bị án 7 năm tù (không rõ vì sao), còn 5 tháng nữa thì hết hạn. Lý được đưa vào làm (khổ sai) ở xưởng may áo của nhà tù. Ở xưởng may có một tên cai người Anh rất hung ác. Lý nói: “Ta quyết giết chết thằng ác ôn này, để anh em đỡ khổ với nó”. Một hôm tên cai ấy đang đánh đá túi bụi một bạn tù, thì Lý cầm một chiếc kéo to thọc nó lòi ruột. Lý lại bị đưa ra toà và chịu thêm 7 năm tù nữa. Từ đó bọn gác ngục không dám lại gần Lý. Còn anh em tù thì đều gọi Lý là anh hùng.

Cũng trong thời gian đó, Trịnh Quốc Dậu, con một Hoa kiều triệu phú, vì giành nhau một cô gái nhảy mà phạm tội giết người. Bị tống vào khám Vích–to-ri-a. Vì “công tử” không ăn được cơm gạo xay như mọi người tù khác, nó được phép nhận cơm ở nhà đưa vào. Cơm ở ngoài đưa vào thì phải kinh qua những người tù làm “coóc vê” chuyển đến cho Dậu. Những người tù này nói với nhau: “Bồ ổ nó ăn sung mặc sướng nhiều rồi. Nhân dịp này chúng mình chia chút đỉnh cho anh em tù nghèo cùng nếm”. Thế là hầu hết nem, chả, vật lạ của ngon không đến miệng Dậu. Dậu tức lắm nhưng không dám mở mồm.

Anh em tù (đã thành án), bãi công, bãi thực để đòi cải thiện chế độ giam cầm. Chủ ngục dùng cách khủng bố, đánh đập từng người. Nhưng hễ một người tù bị đánh đập thì tất cả mọi người khác la um sùm. Khi đêm khuya thanh vắng, họ cùng nhau kêu van: “Đói lắm trời ơi! Khổ lắm trời ơi” làm chấn động cả khu phố. Muốn đấu dịu, chính phủ Hương Cảng bảo một nhóm thân sĩ Hoa kiều vào khám lớn khuyên dỗ anh em tù. Có vị thân sĩ khi đứng đằng xa thì nói to: “Anh em nên chấm dứt cuộc bãi công, bãi thực đi. Nhà nước sẽ đáp ứng những yêu cầu của các anh em...” Nhưng khi đến gần anh em tù, thì vị thân sĩ ấy nói khẽ: “Anh em cứ đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng”...

Những mẩu chuyện ấy cho chúng ta thấy rằng tình giai cấp và tình dân tộc ở đâu cũng có hoặc ít hoặc nhiều. Một mẩu chuyện nữa:

Khi Bác ở trong khám, nhiều “ông, bà” người Anh có quyền dắt nhau vào xem, ý chừng họ muốn thấy mặt mũi “lạ lùng” của người Bônsêvích.

Khi Bác vào nhà thương, anh chị em nhân viên người Trung Quốc cũng đến xem, nhưng với một cách kín đáo, không sỗ sàng như người Anh.

Một hôm, cô y tá người Trung Quốc thường ngày chăm sóc Bác, thủ thỉ hỏi Bác một cách bí mật: “Chú này! Cộng sản là thế nào? Chú làm cộng sản làm gì để bị bắt bớ khổ thân!” Cô ta biết cộng sản không phải là trộm cướp, buôn lậu giết người; thế thì cộng sản là gì và vì sao mà bị bắt giam, điều đó cô ta không hiểu được!

Bác trả lời: “Nói tóm tắt cộng sản là làm cho ai cũng sung sướng và bình đẳng, không ai bóc lột và đè nén ai. Ví dụ: Cộng sản muốn làm cho chị em cô không phải mang cổ xanh suốt đời không bị người mang cổ đỏ sai khiến (cổ áo đỏ là y tá trưởng người Anh; cổ áo xanh là những y tá nữ người Trung Quốc)”.

Cô y tá giương to cặp mắt nhìn Bác và nói: “Thế ạ!”.

Ở Hạ Môn ít lâu, Bác đi tàu thuỷ lên Thượng Hải.

Đến Thượng Hải hôm trước, hôm sau xem báo thì thấy tin “Hôm qua những tàu biển cập bến tô giới Pháp đều bị nhà chức trách lục soát rất kỹ...”

Hú vía! Ở Thượng Hải, bọn Quốc dân Đảng cũng khủng bố gắt gao. Để che mắt bọn mật thám, Bác phải tíêp tục giữ bộ điệu như một vị thân sĩ, mặc áo quần thật sang, ở khách sạn thật sang, nhưng đến tối thường khoá cửa lại, rồi ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo...

Mùa thu năm 1933, được tin có một đoàn đại biểu từ châu Âu sắp sang các nước Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc. Đoàn gồm có một người quý tộc Anh, một đại biểu quốc hội nước Bỉ, một nhà văn người Pháp (là đồng chí Vây-ăng Cu-tuy-ri-ê). Tin tức này làm cho Bác mừng rỡ nhẹ cả người.

Bác đến Thượng Hải đã lâu mà vẫn chưa bắt được liên lạc.

Đối với người cách mạng, không gì khổ tâm bằng đã không hoạt động được, lại mất liên lạc với đoàn thể lâu ngày. Điều đó làm cho người cách mạng đêm ngày cảm thấy vô cùng cô độc linh đinh.

Đoàn đại biểu hoà bình đến Thượng Hải bị chính quyền Quốc dân Đảng và tất cả người da trắng ở thành phố này tẩy chay. Khi tàu sang đến Nhật cấm không cho lên bờ.

Ở Thượng Hải, bà Tống Khánh Linh (vợ Cụ Tôn Trung Sơn) đã bí mật tổ chức một cuộc mít tinh cho đoàn nói chuyện.

Bác viết thư cho đồng chí Vây-ăng Cu-tuy-ri-ê. Thư này bỏ vào trong một thư khác cho một người bạn nhờ chuyển hộ.

Người bạn này (Bác chỉ quen biết sơ thôi) có uy tín cho nên Quốc dân Đảng và bọn đế quốc ghét lắm, nhưng chỉ phái đặc vụ bao vây dò xét, chứ không dám bắt bớ, giam cầm.

Bác ăn mặc thật sang, thuê một chiếc xe hơi thật sang, đi đến nhà người bạn ở trong tô giới Pháp, gõ cửa, trao bức thư, rồi đi ra ngay. Lúc trở về, thấy cảnh sát Pháp chặn các khu phố lục soát người đi đường. Người lái xe tỏ vẻ ngập ngừng... Bác bảo: “Cứ đi!”. Chắc là vì chiếc xe rất sang trọng, cho nên không bị chặn lại khám xét... Một lần nữa hú vía!

Chiều tối hôm sau, bác gặp đồng chí Vây-ăng Cu-tuy-ri-ê ở một địa điểm kín đáo. “Muôn dặm quê người gặp bạn thân!” Cả hai người vô cùng mừng rỡ, vừa cảm động vừa nghẹn ngào... Hai anh em siết chặt tay nhau mà nói chuyện.

Bác nói cho đồng chí Vây-ăng Cu-tuy-ri-ê biết hoàn cảnh khó khăn của mình.

Đồng chí Vây-ăng Cu-tuy-ri-ê nói cho Bác rõ tình hình phong trào cách mạng.

Ở Việt Nam từ ngày phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh anh dũng, thực dân Pháp cực kỳ hoảng sợ và thẳng tay khủng bố hết sức dã man. Nhiều làng mạc bị san phẳng. Nhiều đồng chí bị hy sinh. Nhiều tổ chức bị tan vỡ...

Tháng 3-1931, trong lúc Trung ương Đảng bí mật họp hội nghị ở Sài Gòn, Ngô Đức Trì bị bắt và phản bội. Vì nó khai mà đồng chí Trần Phú và nhiều đồng chí khác bị bắt. Suốt sáu tháng bị tra tấn dã man, tháng 9 năm ấy đồng chí Trần Phú đã chết trong nhà tù.

Tuy phong trào tạm thời bị xuống thấp, nhưng sự hy sinh oanh liệt của can bộ và đảng viên đã làm cho ảnh hưởng và uy tín của Đảng không ngừng lên cao. Tên Bộ trưởng Thuộc địa Pháp đã công nhận rằng: “Hoạt động của Đảng Cộng sản nguy hiểm cho Pháp gấp mấy lần cuộc bạo động của Quốc dân Đảng”...

Từ cuối năm 1931 đến nay (mùa thu 1933), do sự cố gắng phi thường của các đảng viên và lòng hăng hái của nhân dân nhiều chi bộ đảng và nhiều cơ sở quần chúng dần dần được tổ chức và hoạt động lại.

Tình hình thế giới thì thế này: một bên là chủ nghĩa tư bản lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đã phái đi đến con đường tối phản động là chủ nghĩa phát xít. Một bên là giai cấp công nhân các nước đấu tranh ngày càng hăng. Nhân dân lao động Liên Xô thắt lưng buộc bụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã thu được nhiều thắng lợi lớn... Nói tóm lại, tuy cách mạng gặp khó khăn không ít, nhưng tiến bộ cũng rất nhiều...

Đã ba năm không hay biết gì hết, hôm nay được đồng chí Vây-ăng Cu-tuy-ri-ê cho biết những tin tức đó, lòng Bác bâng khuâng vừa thương xót vừa vui mừng. Vui mừng vì những cuộc thử thách cực kỳ ác liệt, Đảng ta đã tỏ ra cứng cáp và đường lối chính trị và Đảng dần dần khôi phục lại lực lượng của mình. Đồng thời phong trào cách mạng trên thế giới đang tiến lên, thành trì cách mạng thế giới là Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Thương xót vì những người con ưu tú của Đảng và của nhân dân – như đồng chí Trần Phú, và những đồng chí khác đã bị hy sinh.

Đồng chí Trần Phú là một trong những thanh niên đầu tiên sang học ở trường huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, rồi tham gia Hội “Thanh niên Cách mạng Đồng chí” và được giới thiệu đi học ở Mát–xcơ–va một thời gian. Vào khoảng tháng 4-1930 đồng chí Trần Phú trở lại Trung Quốc gặp Bác bàn bạc công việc Đảng, rồi về nước hoạt động. Tháng 10-1930 Trung ương họp hội nghị lần thứ nhất, chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Là một người rất thông minh, hăng hái, cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng tuy chỉ hoạt động được một năm (từ ngày về nước đến ngày bị bắt).

Mấy hôm sau khi gặp đồng chí Vây-ăng Cu-tuy-ri-ê, thì Bác chắp được liên lạc với đoàn thể. Nỗi vui mừng lúc đó không thể tả được.

“Ba năm lưu lạc lênh đênh
Nay đà trả lại trong đại gia đình công nông.”

Tháng 7-1935, Quốc tế Cộng sản họp đại hội lần thứ 7. Đến dự Đại hội có đại biểu 65 đảng cộng sản. Đảng ta có đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức, Bác và vài đồng chí nữa là đại biểu dự khuyết.

Ở Đại hội, đồng chí Đi-mi-tơ-rốp (Dimitrov), Bí thư Ban Chấp hành Trung ương của Quốc tế Cộng sản, đọc báo cáo chính trị, phân tích sau sắc tình hình thế giới lúc bấy giờ: Bọn phát xít ngày càng điên cuồng. Nguy cơ chiến tranh ngày càng khẩn cấp. Để lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh thắng lợi, nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải lập một mặt trận thống nhất nhân dân thật rộng rãi, bao gồm các đảng phái, các đoàn thể các phần tử có xu hướng yêu hoà bình, chống chiến tranh, chống phát xít. Đồng thời đại hội kêu gọi nhân dân các nước ra sức giúp đỡ những dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giành lại độc lập tự do.

Đồng chí Đi-mi-tơ-rốp (sinh năm 1882, mất năm 1949, thọ 67 tuổi), là lãnh tụ Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, đồng thời là lãnh tụ phong trào công nhân quốc tế.

Năm 20 tuổi đồng chí tham gia Đảng “Công nhân Xã hội Chủ nghĩa” Bun-ga-ri. Trong thời kì hoạt động bí mật đồng chí đã bị bắt giam nhiều lần và 2 lần bị kết án tử hình vắng mặt. Năm 1935, cùng với các đồng chí trung ương khác, đồng chí Đi-mi-tơ-rốp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tuy không thành công, nhưng đã có ảnh hưởng to lớn và thức tỉnh giai cấp công nhân Bun-ga-ri.

Năm 1933, đồng chí bị bắt ở Đức, bọn phát xít tìm đủ mọi cách để buộc tội, nhưng đồng chí đã gan dạ vạch trần tội ác của chúng trước toà án Lép-dích (Leipzip). Công nhân khắp các nước đều tổ chức biểu tình ủng hộ đồng chí. Chính phủ Liên Xô can thiệp mạnh mẽ để bảo vệ đồng chí, do đó đồng chí Đi-mi-tơ-rốp đã thoát khỏi xiềng xích phát xít và được trở về Liên Xô.

Năm 1935, đồng chí được bầu làm Tổng bí Thư Quốc tế Cộng sản và giữ chức vụ ấy đến năm 1943.

Trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ II, Bun-ga-ri bị Đức chiếm đóng. Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Bun-ga-ri thì đồng chí Đi-mi-tơ-rốp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân lật đổ chính phủ phát xít thân Đức, và lập nên chế độ dân chủ nhân dân. Trong cuộc tổng tuyển cử, đồng chí được bầu làm thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hoà Nhân dân Bun-ga-ri.

Lần trước, năm 1925 Bác dời Liên Xô đi sang Trung Hoa lúc đó nhân dân Liên Xô ai nấy đều thắt lưng buộc bụng để xây dựng nước nhà. Về tinh thần ai nấy cũng hăng hái phấn khởi, nhìn về hạnh phúc mai sau. Nhưng về đời sống vật chất thì đang rất eo hẹp. Ở nhà, áo mặc, lương thực mọi thứ đều phải hạn chế nghiêm ngặt. Bác nhớ hồi đó Liên Xô đàn ông không ai đeo cavát, đàn bà ăn mặc rất giản đơn. Thường chỉ dùng một vuông khăn đỏ buộc đầu, thay cho mũ. Thanh niên thì tự động cấm uống rượu, cấm hút thuốc, cấm nhảy đầm...

Lần này, năm 1935, Bác trở lại Liên Xô tình hình đã khác hẳn. Trong 10 năm qua nhân dân Liên Xô tiến những bước khổng lồ. Đời sống về mọi mặt đã tiến bộ nhiều lắm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành vượt mức, kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã bắt đầu. Ngay vài năm đầu, công nghiệp và thương nghiệp đã hoàn toàn xã hội chủ nghĩa, 75% nông hộ đã vào hợp tác xã (nông trang tập thể), chiếm 85% diện tích trồng trọt lương thực.

Nhờ sản xuất mọi thứ đầy đủ, cuối năm 1934 đã bỏ luật hạn chế mua sắm và các thứ ăn mặc. Phải nhớ rằng: Sau cách mạng thành công đã 17 năm, mới bỏ được hạn chế. Chỉ một điều đó đủ thấy những khó khăn lớn và quyết tâm vượt khó khăn của Liên Xô. Lúc đó chỉ một mình là nước xã hội chủ nghĩa, bốn bề bị các nước đế quốc bao vây. Thắng lợi đó là do chí khí hăng hái lao động quên mình của nhân dân Liên Xô. Trong cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa hơn 5 triệu công nhân thanh niên là “đội viên đột kích”. Phong trào Sta-kha-nốp là tên một người công nhân mỏ đầu tiên đào được 102 tấn than trong một kíp, vượt mức 13 lần. Về sau nhiều người còn đạt mức cao hơn nữa.

Trong kế hoạch năm năm lần thứ hai, nhà nước quy định tăng năng suất lao động 62%, nhưng công nhân đã tăng năng suất đến 82%. Nhờ vậy kế hoạch đã hoàn thành vượt mức trước thời hạn 9 tháng so với trước chiến tranh (1913), tổng sản lượng công nghiệp tăng gấp 7 lần, về nông nghiệp thì số hộ xã viên nông trang tập thể chiếm 93% tổng số ruộng đất.

Nói tóm lại, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô đã trở nên một nước hùng mạnh có công nghiệp tiên tiến và nông nghiệp tập thể.

Kinh tế tiến lên thì thành phần trong xã hội cũng thay đổi, pháp luật cũng do đó mà thay đổi. Cho nên cuối năm 1936, Xô Viết Tối cao đã ban hành hiến pháp mới, một hiến pháp dân chủ nhất trên thế giới.

Trước kia Bác quen thuộc Mát–xcơ-va. Nhưng lần trở lại Mát–xcơ-va có hơi bỡ ngỡ vì cái gì cũng mới, nhà cửa, đường xá... cho đến báo chí cũng đều đổi mới. Những em nhi đồng Bác quen biết trước nay đều là các chiến sĩ Hồng quân hoặc là sinh viên đại học. Những bạn Côm–sô–môn (thanh niên cộng sản), nay đều là bác sĩ, công trình sư... và đều được vinh dự vào Đảng. Lúc đó, Đảng Bôn-sê vích có hơn 2 triệu 80 vạn đảng viên.


Nguồn: Trích từ tập sách Chuyện kể dọc đường cách mạng. Nhà xuất bản Thanh niên. Bản điện tử do talawas thực hiện. (13.2.2007)

Aucun commentaire: