Siêu cường quốc thầm lặng
Lưu Vũ – Dịch bài của Andrew Moravcsik, Newsweek.
Lưu Vũ: Trong một số bài trên DCVOnline nói về cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, rất nhiều ý kiến bạn đọc tranh luận, trao đổi về mô hình kinh tế của Pháp, một trong những cường quốc đứng đầu European Union và là thành viên của Nhóm G7 – nhóm 7 nước phát triển nhất thế giới.
Cuối tuần qua, tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes (5/2007), đạo diễn Michael Moore đã cho trình chiếu (không tham gia giải thưởng) cuốn phim tài liệu phê phán hệ thống bảo hiểm xã hội của Hoa Kỳ và ca ngợi các hệ thống của Canada và EU.
Trong bài dưới đây, Andrew Moravcsik, (Giáo sư khoa Chính trị và Giám đốc Chương trình European Union Princeton University) - đăng trên tuần báo Newsweek Poland, số 13, 4/2007, có nói rằng, phụ nữ trong Liên hiệp châu Âu (EU) được hưởng nhiều tháng nghỉ sinh con và đảm bảo được nhận lại việc làm tại sở cũ trước đó. Đa số phụ nữ Hoa Kỳ sau khi sinh phải nhanh chóng trở lại công việc. Người dân EU được đảm bảo vài tuần nghỉ phép năm bắt buộc, trong khi đa số người dân Hoa Kỳ sẵn sàng đổi nghỉ phép để làm việc kiếm thêm tiền nếu chủ hãng đồng ý. Dân của EU kiếm tiền ít hơn dân của Hoa Kỳ vì họ làm việc ít hơn và dành thời gian để nghỉ ngơi, cho nên tính bình quân người châu Âu sống thọ hơn người Mỹ 4 tuổi...
Hoa Kỳ và EU từ hơn nửa thế kỷ nay vẫn luôn là hai cường quốc kinh tế, đóng góp nhiều nhất những thành tựu kỹ thuật và công nghệ cho sự phát triển của nhân loại. Hai mẫu hình kinh tế hàng đầu của hành tinh với đầy đủ tính tích cực và tiêu cực của nó, sự lựa chọn nào cho phần còn lại của thế giới?
Bài được chuyển ngữ từ tiếng Ba Lan.
Andrew Moravcsik
Nguồn: princeton.edu
--------------------------------------------------------------------------------
Khi đọc bình luận của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ về những vấn đế của Liên Hiệp Châu Âu (EU – Europian Union), người ta có cảm tưởng họ đang viết về một lãnh thổ đang bị lâm vào căn bệnh không chữa nổi. Về một lục địa cũ như viện bảo tàng đang nằm trong sọt rác của lịch sử.
Theo những người bi quan bên kia bờ Đại Tây Dương, Cựu Lục Địa (tất nhiên là trừ Anh quốc ra) đang đi tới điểm kết. Nền kinh tế dậm chân tại chỗ. Sáng chế công nghệ và linh hồn của doanh nghiệp đã quy tụ hết tại Thung lũng Điện tử, Hoa Kỳ và Bangalore, Ấn Độ. Các nhà chính trị bất lực trước hệ thống bảo hiểm xã hội xơ cứng, trước lực lượng lao động được nuông chiều và những đảm bảo về quyền lợi tập thể. Châu Âu đang đứng trước vấn nạn sụt giảm dân số, trong khi giới di dân ngày càng làm tăng thêm các vấn đề xã hội, còn chính sách đối ngoại của EU thì như đang bị thiếu máu. Người châu Âu nằm ở sao Kim (Venus), còn người Mỹ trên sao Hoả (Mars) - Robert Kagan nói như thế về sự yếu kém tiềm lực quân sự của EU. Châu Âu, Kegan cho rằng, không những không giữ được sự thống nhất mà cũng không dám quyết định đứng bên cạnh Hoa kỳ trên trường quốc tế. Sự đánh giá này rút ra từ những tranh cãi gần đây xung quanh việc thiết lập lá chắn hoả tiễn tại Ba Lan và Cộng Hoà Czech.
Các nhà phê bình khẳng dịnh châu Âu không thể tự cứu lấy mình bởi vì nó đã đánh mất đi những lý tưởng làm nền tảng cho tương lai. EU đã khẩn trương làm việc trong 5 năm cuối cùng nhằm mục đích cho ra đời hiến pháp chung để rồi cử tri Pháp và Hà Lan (Netherlands) từ bỏ. Trong khi đó, làn sóng bài xích đạo Hồi và dân tộc chủ nghĩa cực đoan mới phát triển đến mức khó kìm hãm, bởi vì châu Âu không biết thích ứng với các sắc dân thiểu số đang ngày mỗi tăng. Nhà báo chuyên mục (columnist) Hoa Kỳ Mark Steyn ít ra cũng khuyến cáo và dự đoán rằng “Không lâu nữa châu Âu sẽ được đánh thức trong tiếng ca cầu nguyện”.
Thế nhưng những người đang sống tại châu Âu hoặc đến thăm châu Âu gần đây thấy rằng, những nhận định của các nhà phân tích Hoa Kỳ không đúng.
Châu Âu đã phục sinh từ đống tro tàn của cuộc Đại Khủng Hoảng và chiến tranh thế giới thứ II để trở thành một lục địa tự do và thống nhất. Cách đây nửa thế kỷ khó mà tưởng tượng ra rằng, có thể đi suốt châu Âu, từ Thụy Điển (Sweden) đến đảo Sicili (Italy) mà không hề phải qua một trạm biên giới nào và hầu như trong cả cuộc hành trình chỉ cần sử dụng một đồng tiền châu Âu chung. Và tất cả các nước châu Âu sẽ có một hàng rào quan thuế thống nhất bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các chỉnh lý kinh tế chung.
EU ngày nay là một siêu cường quốc kinh tế toàn cầu với một ý nghĩa mang tính lịch sử của thế giới và vị trí thượng phong kinh tế. EU đã xây dựng được một chính quyền hữu hiệu nhất trong tất cả hệ thống chính trị - nhà nước bảo hộ hiện đại, cho dù với tất cả những yếu điểm của nó, EU bảo đảm cho công dân của mình sự thịnh vượng và an ninh đời sống. Đây cũng là một điển hình nhất của tình hợp tác quốc tế, của lòng tự nguyện trong lịch sử hiện đại. Từ Cộng đồng Kinh tế Châu Âu ban đầu vào năm 1957, đến nay đã hội tụ 27 thành viên. Các giá trị châu Âu được chia sẻ trên toàn thế giới – bởi vì đứng trên nhiều khía cạnh, hấp dẫn hơn những điều mà Hoa Kỳ đại diện. Quỹ đạo (trajectory) của châu Âu đang đi lên chứ không đi xuống.
Để có thể thuyết phục về những điểm nêu trên, chúng ta thử phân tích những phê phán quan trọng nhất của các nhà chuyên môn Hoa Kỳ.
Chính trị kinh tế hiện thực (Realpolitic Economy)
Chúng ta bắt đầu từ sự hiểu sai lạc lớn nhất, đó là EU như đang vật lộn với chu kỳ tăng trưởng kinh tế chậm chạp và các chi phí xã hội quá lớn.
Đúng là, nửa thập niên vừa qua hết sức khó khăn cho những nền kinh tế lớn nhất trong EU. Phải bỏ ra tới một ngàn tỷ đô la cho việc thống nhất đất nước, nước Đức không còn sức để tiếp tục làm đầu tàu của cả châu Âu. Nước Pháp và Italy cũng tụt hậu. Thế nhưng Anh quốc và các quốc gia bán đảo Scandinavian (Norway – Na Uy, Sweden – Thuỵ Điển, Finland – Phần Lan) phát triển tuyệt vời. Các nước thành viên mới tại Đông Âu tăng trưởng bình quân 5 phần trăm và cao hơn Hoa Kỳ.
Những nhà phê bình nhận định rằng, trả lương cao và trợ cấp xã hội nhiều gây khó khăn cho việc tạo thêm việc làm mới và người châu Âu chống lại các cải cách. Trong thực tế thì không có chứng cớ thuyết phục cho kết luận như vậy.
Nếu như thế thì với phép mầu nào mà EU có tăng trường kinh tế cao hơn Hoa Kỳ trong gần hết các thập niên sau chiến tranh? Cho dù mức thuế thu nhập phải đóng gần 50 phần trăm và chăm sóc xã hội của nhà nước được tính từ lúc còn nằm trên nôi đến khi xuống mồ, các chế độ dân chủ-xã hội của Scandinavian vẫn đứng đầu thế giới trong thăm dò (ranking) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về mức độ cạnh tranh kinh tế.
Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của EU thấp hơn Hoa Kỳ, nhưng điều này không nói rằng người châu Âu thiếu tính cạnh tranh. Để làm ví dụ chúng ta lấy nước Đức, là quốc gia có mức xuất siêu thương mại nhiều hơn cả Trung Quốc và ngày mỗi có dự phần lớn hơn trong kinh tế thế giới. Tại Pháp, sản xuất bình quân trên một giờ làm việc cao hơn tại Hoa Kỳ. Còn năng suất làm việc hàng ngày tại Hoa Kỳ cao hơn là do người Âu châu thích làm việc ít giờ hơn người Mỹ, đổi lại với một mức lương thấp hơn. Mỗi công dân EU được đảm bảo (gần như bắt buộc) vài tuần nghỉ phép năm. Đa số người Mỹ thì nói rằng, họ sẵn sàng làm việc thay cho nghỉ phép nếu chủ hãng đồng ý.
“Người Mỹ có mạng lưới chăm sóc y tế tốt nhất thế giới”- TT Bush. Mỹ đang dẫn đầu... nhưng liệu có ai đi theo?
Nguồn: Harvard.edu
--------------------------------------------------------------------------------
Công dân EU trong thực tế trả ít tiền cho hệ thống bảo hiểm xã hội, nhưng họ cho rằng, họ xứng đáng được như thế. Thậm chí trong một số nước thành viên nghèo hơn rất ủng hộ Hoa Kỳ như Ba Lan, Hungary, thì thăm dò dư luận xã hội chỉ ra rằng, chỉ một thiểu số (dưới 25%) chấp nhận theo mô hình kinh tế Mỹ. Lý do là càng ngày càng nhìn thấy rõ hơn sự thiếu hụt của nền kinh tế này. Ờ thì “Người Mỹ có mạng lưới chăm sóc y tế tốt nhất thế giới” – như tổng thống W. Bush đã từng nói. Thế nhưng sự việc lại khác: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia phát triển cao duy nhất mà trong đó không có sự đảm bảo chăm sóc y tế phổ cập, vì thế có tới 45 triệu người Mỹ không có bảo hiểm sức khoẻ (cũng bằng từng đó nữa không được chăm sóc bệnh tật). Tỷ lệ tử vong trẻ em sơ sinh của Hoa Kỳ thuộc vào loại cao nhất trong các nước dân chủ phát triển. Một người Pháp bình thường, cũng tương tự như với đa số các nước EU, sống lâu hơn 4 năm so với người Mỹ bình thường.
Cả về kinh tế, bức tranh vẽ ra cho Âu châu sáng sủa hơn cho Hoa Kỳ. Trong tháng 3/2007, OECD (Tổ chức các nước kinh tế phát triển) (1) dự đoán tăng trưởng trong khu vực euro là 2,5% so với 2% của Hoa Kỳ. Các chỉ số (index) về tình trạng đầu tư và business đạt mức chóng mặt. Trong vòng vài năm tới đây vốn thị trường của các hãng EU trong 500 hãng lớn nhất toàn cầu rất có thể sẽ vượt vốn tư bản của Hoa Kỳ.
Tất nhiên, trên các trang của báo chí nổi bật Trung Quốc và Ấn Độ. Sự thật phải thừa nhận là trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cao hơn EU. Thế nhưng theo những phân tích sâu hơn thì bài toán đầu tư đã từ lâu bị đưa xuống hạng dưới trong thương mại nếu nói về yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng. Với quan điểm này, EU hoàn toàn là một cường quốc kinh tế ngang ngửa Hoa Kỳ.
Gần 60% đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ nằm tại EU. Hàng năm, các hãng của Hoa Kỳ đầu tư càng nhiều hơn, thậm chí đầu tư ở những nước nhỏ như Belgium (Bỉ), Irland (Ailen) hay Switzerland (Thuỵ Sĩ) lớn hơn toàn bộ đầu tư tại Trung Quốc hay Ấn Độ. Lợi nhuận của khu vực liên doanh tại một nước bé như Thuỵ Sĩ trong năm ngoái cao gấp 4 lần so với ở Trung Quốc và 23 lần so với ở Ấn Độ. Nguyên tắc hai chiều cũng nhịp nhàng – đầu tư của EU trong vài tiểu bang của Hoa Kỳ - gần đây là Georgia, Indiana và Texas – lớn hơn tiền của Mỹ bỏ vào Trung Quốc hay Nhật Bản.
Rối loạn về mất cân bằng dân số
Mô hình dân chủ-xã hội không chịu mãi được nếu thiếu người làm việc cấp dưỡng cho nó. Vấn đề này đang là nguồn gốc bi quan của EU. Chỉ số sinh đẻ giảm đã tạo nên tỷ lệ người làm việc so với người ở tuổi hưu trí từ 5:1 ngày hôm nay, xuống còn 2:1 trong năm 2050. Theo Mark Leonard của tổ chức “Sáng Kiến Xã hội Mở Châu Âu” thì đang có một kịch bản kinh hoàng ngày một làm EU kiệt quệ vì số người làm việc ít phải trả giá cho đội quân hưu trí đông đảo tăng lên.
Thế nhưng bản thân Leonard cũng không thực tin như thế, cả Hội đồng EU cũng vậy. Họ tính rằng, thậm chí chỉ thực hiện những cải cách vừa phải – cứ cho là nâng tuổi được về hưu thêm 5 năm – là EU đủ khả năng tài chính quay lại đáp ứng hệ thống hưu trí và xã hội. Tăng trưởng kinh tế cũng là yếu tố hỗ trợ. Và EU hình như sẽ tận dụng cả sức lao động từ giới di dân.
Mặt khác, các nhà phê bình cho rằng, một bi kịch nặng nề nhất đang đe doạ EU, đó là đống rác văn hoá. Người dân các nước EU đang đương đầu với những khó khăn không thể nào vượt qua nổi với giới di dân Ả Rập. Hiện nay người Hồi giáo chiếm khoảng 5% dân số, nhưng trong vòng 20 năm nữa sẽ tăng gấp đôi, một phần được di cư theo chính sách sum họp gia đình. Đây sẽ là nguyên nhân thê thảm cho những khuyến cáo trước thế giới Ả Rập tại EU và sự xói mòi thực sự nền văn minh Âu châu. Những cuộc bạo loạn về chủng tộc, các cuộc khủng bố và những đối kháng sẽ đụng đến tất cả, từ việc khăn trùm mặt đến phân biệt sắc tộc, sẽ không khắc phục được tình hình.
Rất dễ dàng tiên liệu được khuynh hướng trên. Trong tất cả các trường hợp đã nêu, các thống kê cho thấy rằng, mức độ đe doạ bạo lực từ lý do tôn giáo tại EU cao nhiều hơn tại Hoa Kỳ. Trong toàn EU, các luật về di trú trong những năm gần đây trở nên thận trọng hơn và chỉ ưu ái với giới di dân không phải gốc Ả Rập. Hiện ở Tây Ban Nha (Spain) đến hơn nửa số di dân (chiếm 30% toàn bộ làn sóng di dân vào EU) là từ châu Mỹ Latin, còn trên đảo Anh quốc, một cộng đồng di dân mới rất lớn là người Ba Lan. Bóng ma về sự tăng dân số đáng lo ngại của giới di dân ngày càng lớn, đấy là chưa nói đến các nền tảng của văn hoá bản xứ bị cào xới.
Sức mạnh nhẹ nhàng
Những người Mỹ ủng hộ chính trị thực dụng (realpolitic) thích nói về thế giới đơn cực với một siêu cường quốc. Thành quả của EU chỉ ra rằng, thế giới đang lưỡng cực, mà cực thứ nhì đó là châu Âu.
Chúng ta hãy nhớ lại EU 50 năm trước đây mới chỉ là một liên minh hợp tác hữu nghị giữa Đức và Pháp. Ngày nay là mô hình cho các châu lục. EU mở rộng tiếp nhận thêm 12 quốc gia cựu cộng sản là một bài tập cho sự quảng bá dân chủ từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. - Những nước được kéo vào vòng ảnh hưởng của EU đã thay đổi không thể nào đảo ngược - Mark Leonard nói. Tự bản thân viễn cảnh hội nhập vào các cấu trúc của EU cũng đã buộc các nước phải có những cải cách mang tính then chốt. Ví dụ: Romania, mới gia nhập EU năm nay và Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) đang ngày một Âu châu hoá với phạm vi lớn để hội nhập EU.
Tất nhiên, chưa có ai cạnh tranh được Hoa Kỳ về tiềm lực quân sự. Thế nhưng, chỉ cần nhìn vào bãi lầy Iraq là đủ để nhận ra những giới hạn của nó. Khi đến thời điểm cần những công cụ cho việc dàn xếp hoà bình và các phương tiện mềm mỏng của chính quyền dân sự, thì EU sẽ hiệu quả nhiều hơn Hoa Kỳ. EU là một siêu cường quốc thầm lặng. Chính EU là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất tại Trung Đông. EU tăng cường những cố gắng ngoại giao – cùng với Hoa Kỳ hoặc độc lập – để giải quyết các xung đột trong khu vực. EU hiện đang bảo đảm 70% các viện trợ giúp cho nước ngoài và viện trợ nhân đạo trên toàn thế giới. Hầu hết chi phí cho các lực lượng quân đội hoà bình hay lực lượng cảnh sát, trừ Iraq, là của người dân EU – như tại Lebanon, Sierra Leone, Bờ Biển Ngà (Côte d’Voire), Afghanistan. Sắp tới EU sẽ đảm nhận từ NATO sứ mệnh hoà bình tại Bosnia và Kosovo.
EU không phải là sản phẩm của quá khứ mà ngày mỗi tăng lên tính năng sáng tạo và dự phần của châu Âu vào sự hiện đại. EU mở rộng phạm vi dân chủ và tự do hoá thị trường trên thế giới bằng phương pháp mà các nhà bảo thủ mới (neoconservative) của Hoa Kỳ chỉ dám nằm mơ và đang trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia phát triển.
Nhà vị lai học (futurolog) Jeremy Rifkin khẳng định bội thế quan trọng của các lý tưởng châu Âu: “Khi tâm hồn Mỹ đang mệt mỏi và chán chường trong dĩ vãng, thì một châu Âu mới tỉnh giấc”. Tinh thần này xác quyết tính ưu việt của liên hiệp các cộng đồng với quyền tự quản độc lập, của tính đa văn hoá dân tộc với sự đồng hoá, của chất lượng đời sống với sự tích luỹ tài sản, của sự phát triển cân đối với sự bành trướng vật chất không giới hạn, của cuộc chơi với những cú đấm vào ngực và của các quyền phổ quát của con người. Nhà tài chính toàn cầu George Solos tin rằng, châu Âu và EU mới sẽ đưa ra “mô hình và phương pháp ứng xử” tốt hơn để giải quyết các vấn đề toàn cầu theo đòi hỏi của hiện đại.
Chúng ta có thể tin hoặc không, nhưng khó không thể không chú ý rằng, qua nửa thế kỷ mà EU đã thực hiện cuộc hành trình tiến tới một châu Âu thống nhất, rất nhiều quốc gia hy vọng được chào đón với mô hình của EU hơn là mô hình đã được thử nghiệm của Hoa Kỳ.
© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
DCVOnline: (1) – Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD) là tổ chức gồm 30 quốc gia cùng chia sẻ cam kết với một nhà nước dân chủ và nền kinh tế thị trường. Dễ hiểu hơn, OECD là tổ chức gồm các cuốc gia theo đuổi, cổ xuý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội dân chủ. OECD có quan hệ với 70 quốc gia và vùng kinh tế, các tổ chức phi chánh phủ và xã hội dân sự khắp hoàn vũ. ODCD được biết đến qua những công trình khảo cứu, ấn phẩm và thống kê. Phạm trù hoạt động của OECD bao gồm các vấn đề xã hội, kinh tế từ kinh tế vĩ mô đến quan hệ mậu dịch, giáo dục cùng khoa học và các sáng tạo mới.
Nguồn: Organisation for Economic Co-operation and Development
dcv
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire