1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao]

vendredi 25 mai 2007

Một cơn gió bụi - Hồi ký Trần Trọng Kim (12)

Một cơn gió bụi - Hồi ký Lệ thần Trần Trọng Kim (12)


Một cơn gió bụi - Hồi ký Lệ thần Trần Trọng Kim (1)
Một cơn gió bụi - Hồi ký Lệ thần Trần Trọng Kim (2) (3) (4) (5-6) (7) (8) (9) (10) (11) (12)

Chương 12 : Lên Nam Vang

Khi tôi về Sài gòn, trong lưng chỉ còn có 20 đồng bạc Ðông Dương. Ông Cousseau thấy vậy có đưa tiền, nhưng tôi không lấy. Sau tôi gặp những người quen biết có giúp đỡ ít nhiều để mua thuốc thang và may vá lặt vặt. Tôi đến nhờ ông cử Bùi Khải, ông vì tình anh em, tiếp đãi một cách thành thực và tử tế, các cháu đều hết lòng kính mến. Nhưng vì cả gia quyến bốn năm người đến ở đấy lâu ngày, ăn không ngồi rồi, nghĩ cũng khó coi. Con gái tôi biết tiếng Anh, có nhiều người muốn học, định đi thuê nhà để dạy học, nhưng không thuê được nhà. Sài gòn cũng như ở bên Tàu, cái nạn khan nhà thật là điêu đứng. Muốn thuê một cái nhà nhỏ, ít ra cũng phải trả tiền trà mất một vài vạn bạc, thì lấy tiền đâủ Sau hai vợ chồng con tôi gặp những người quen nói ở trên Nam Vang, bên Cao Miên, cơm gạo rẻ và dễ thuê nhà, chúng nó mới xin giấy lên Nam Vang. Lên ở nhà khách sạn được mấy ngày chẳng may con tôi bị bỏng suýt chết. Nhờ có những người quen biết trông nom giúp đỡ nên không việc gì.

Nhà ở Nam Vang lại có phần khó thuê hơn ở Sài gòn, thành ra nhà vẫn chưa thuê được, con tôi phải về ở nhà ông Phạm Chí Tùng trong khi chờ đợi có nhà ở.

Ông Phạm Chí Tùng là người rất hiền hậu, thấy con tôi lên ở nơi xa lạ, hết lòng giúp đỡ, coi như anh em trong nhà vậy.

Con tôi đi Nam Vang chờ đến ba tháng, nhờ ông Pignon can thiệp mấy lần, hội đồng coi việc nhà cửa mới thuê cho được một căn nhà, mở lớp dạy học tiếng Anh, lần hồi cũng đủ ăn tiêu.

Tôi ở Sài gòn, có cóp nhặt những sách của tôi, định tìm nhà xuất bản cho in lại. Lúc ấy tôi gặp ông Trần Văn Văn đến thăm tôi. Khi tôi ở Huế, ông có ra làm việc ở bộ kinh tế với ông Hồ Tá Khanh, cho nên đã quen từ trước. Ông thấy tôi ở trong cái hoàn cảnh rất eo hẹp, ông liền cho tôi vay một món tiền khá lớn và ông nhận việc tìm nhà xuất bản để in những sách của tôi.

Trong lúc nguy nan, gặp được người bạn như ông Trần Văn Văn đến thăm tôi thật là ít có. Ấy cũng là một sự may mắn, nhờ trời dun dủi làm cho đỡ được bao nỗi đau buồn khổ não.

Vào khoảng tháng chín năm 1947, thì cậu Bùi Nam, anh em nhà tôi ở Hà Nội vào Sài gòn thăm chúng tôi, biết rõ tin tức người nhà. Lúc ấy nhạc mẫu tôi đau nặng chưa biết thế nào, cậu Nam được tin vội vàng ra ngay, ra đến nơi buổi trưa, thì buổi chiều mẹ tôi mất. Tình mẹ con, nỗi đau đớn, nhà tôi rất sầu khổ. Cái sầu khổ lúc ấy lại có phần tăng thêm là vì phải khi loạn lạc, mình phiêu lưu ở đất khách quê người, không thấy được mặt mẹ trong phút cuối cùng.

Sau tôi nghĩ ở Sài gòn cũng ngồi không mà con thì ở trên Nam Vang một mình, ngày dạy học vất vả, bỏ cháu không ai trông coi. Nhà tôi muốn lên ở trên ấy, để cha mẹ con cái cùng ở một chỗ. Vậy nên chúng tôi định qua tết nguyên đán năm Mậu Tý (1948) thì lên Nam Vang.

Ðến quãng đầu tháng ba năm 1948, thì rể tôi về đón chúng tôi, rồi đến ngày mùng 6 tháng ba tức là ngày 26 tháng giêng năm Mậu Tý, chúng tôi lên xe hơi chở hành khách lên Nam Vang.

Lên đến nơi một tuần lễ, tôi đến gặp ông Pignon là ủy viên nước Pháp, xin cái giấy được lưu trú ở đất Cao Miên. Vì ở xứ ấy bấy giờ, những người Việt Nam đi lại rất khó mà ai muốn ở lâu phải có giấy cho ở mới được. Ông Pignon chuyện trò một cách vui vẻ và cho giấy một cách rất dễ dàng.

Ở Nam Vang được yên ổn hơn Sài gòn, ngày đêm tự do, không có cấm đoán gì cả, chỉ phải nóng nực khó chịu. Tôi lên đây nhờ có ông Phạm Chí Tùng và mấy người khác cho mượn sách vở, nhất là những sách vở nói về đạo Phật và đạo Ấn Ðộ, tôi xem cũng nguôi được nhiều điều phiền não. Mỗi khi trời mát mẻ, chiều đến tôi chống cái gậy ra đứng bờ sông trông nước chảy, mà nghĩ cuộc đời cũng xoay vần trôi nổi có khác gì dòng nước chảy xuôi.

Cuộc đời của tôi đi đến đấy đối với người ngoài cho là thật hiu quạnh, song tự tôi lại thấy có nhiều thú vị hơn là những lúc phải lo toan làm công việc nọ kia, giống như người đóng tuồng ra sân khấu, nhảy múa nhọc mệt rồi hết trò, đâu lại vào đấy. Ðàng này ngồi yên một chỗ, ngắm rõ trò đời và tự mình tỉnh sát để biết cái tâm tình của mình. Tôi nhớ lại câu cổ nhân đã nói: "Hiếu danh bất như đào danh, đào danh bất như vô danh". Muốn có danh không bằng trốn danh, trốn danh không bằng không có danh.

Người có trí tuệ mà biết giữ mình ở chỗ vô danh là bậc cao sĩ tuyệt bậc, nhưng mình đã trót đeo lấy cái danh vào mình, thì phải tìm cách trốn danh vậy.

Danh với lợi ở đời là những cái mồi nó dử mình vào cạm bẫy để hành hạ cái thân mình, chung quy chỉ là một cuộc mộng ảo, chẳng có gì là thực. Khi đã mắc vào thì lắm lúc lại phải đi vào những nơi hôi thối, phải bưng mắt bịt mũi, thật là khổ.

Tôi nương náu ở đây chờ cho tình thế yên yên, thì thu xếp về bắc, là nơi có bà con, bạn bè để khi vui buồn có nhau, còn hơn là chỗ xa lạ.

Ðến tháng ba năm 1949, thấy ông Bảo Ðại đã điều đình với chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam được thống nhất và độc lập trong khối liên hiệp Pháp, đại khái theo cái nguyên tắc ông Bảo Ðại và tôi đã đưa cho người Pháp khi chúng tôi còn ở Hương Cảng. Giá hai năm trước, chính phủ Pháp đi hẳn vào con đường ấy, có lẽ đỡ được bao nhiêu thì giờ và sự tổn hại. Song cái tính con người ta bao giờ cũng thế, cứ để cho đến khi bất đắc dĩ mới chịu làm những việc phải làm, còn thì cứ muốn bám lấy cái lợi một lúc, rồi cứ xoay quanh mãi thành ra hư hỏng việc lớn. Lòng tham của người ta không có bờ bến, nếu không đem cái lòng công minh chính trực mà ngăn ngừa lòng tư dục, thì thường hay có những sự tàn ác, gây ra nhiều nỗi đau buồn.

Việc ông Bảo Ðại điều đình đã được kết quả, như thế cũng đã lợi cho nước Việt Nam rồi nhưng đó mới là phần giao kết, cần phải chờ đợi sự thực hành xem có đúng lời giao kết hay không.

Khi sự độc lập và sự thống nhất đã thực hiện rõ ràng rồi, thì ông Bảo Ðại phải có cái chính sách cương quyết và biết lựa chọn lấy những người ngay chính đứng đắn ra giúp ông mà làm mọi việc. Nếu lại để cho những người muốn thừa cơ hội mà làm giàu làm sang, thì khó lòng mà đem lại lòng tín nhiệm của dân chúng. Việc thành bại sau này, là một bên ở cái lòng thành thực của người Pháp, một bên là cái chính sách ngay thẳng của ông Bảo Ðại.

Tôi nay già rồi, không có hăng hái làm được việc gì nữa. Tôi chỉ mong được yên ổn, để về nghỉ ngơi cho trọn tuổi già, ấy là cái sở nguyện chân thực của tôi. Vả trong quãng đường tôi vừa đi qua, trải bao những cảnh huống đau buồn khổ sở, may như Trời Phật cứu giúp, tôi duy trì được đến bây giờ, mà không trụy lạc vào đâu cả, thật là cái phúc lớn vậy. Cho nên tôi thường nhớ bài thơ của một nhà thi sĩ Ấn Ðộ mà người ta dịch ra tiếng Pháp như sau này:

La barque à la dérive Au millieu du fleuve de vie, Périlleux et fouetté de vent, Ma barque, sans rames, ballotte, Flottait à la dérive, Mais ton invisible main, Secourable dt pitoyable, A giudé la barque sans voiles Parmi les rochers, au milleu des orages, Jusqúau rivage de sécurité

Tôi lược lấy ý trong bài thơ ấy mà dịch ra bài thơ song thất lục bát sau này:

Chiếc thuyền vô trạo
Sông nhân thế nước trôi cuồn cuộn,
Giữa dòng sông gió cuốn ào ào.
Chiếc thuyền vô trạo lao đao,
Lênh đênh đây đó biết đâu bến bờ.
Tay tế độ trong cơ huyền bí,
Thuyền không buồm e lệ ngoài khơi,
Ðưa qua sóng gió thác ngòi,
Ðến bên bến nọ là nơi yên lành.

Nhân khi ngồi rồi tôi giở quyển nhật ký ra xem rồi viết thành cuốn sách này để sau ai xem thì biết rõ sự tình và công việc của tôi làm trong mấy năm đây đó.

Bản tâm là tôi viết truyện riêng của tôi, song tôi phải nói đến chính trị của chính phủ Việt Minh và sự hành động của người Pháp ở Ðông Dương, là vì những việc ấy quan hệ với nhau, không nói không ai hiểu manh mối việc tôi làm thế nào.

Việc người Pháp làm ở Ðông Dương có nhiều lầm lỗi, ngay từ lúc đầu không chịu thay đổi cái thái độ với người Việt Nam, cứ tưởng lấy võ lực mà đàn áp và dùng quyền mưu mà lừa dối để đem người ta vào tròng như ý mình muốn, không biết rằng lòng người đã thay đổi, nhân trí đã biến thiên, không thể lấy thế lực mà bắt người ta đi lại con đường cũ được. Phàm cái quyền mưu lừa dối là chỉ dùng được khi người ta không biết, nhưng khi người ta biết rõ cái mưu thuật của mình thì cái mưu thuật ấy không có công hiệu nữa.
Người Pháp lại có cái tính hay cậy sức mạnh của mình rồi có khi có xảy ra việc gì, thì để cho quân lính đi tàn phá giết hại, có ý muốn cho người ta sợ. Cái phương pháp ấy đối với cái tâm lý của dân tộc khác thể nào tôi không biết, nhưng đối với dân tộc Việt Nam mà chỉ dùng sức mạnh để tàn phá, thì sự tàn phá càng tàn nhẫn bao nhiêu, sự thù oán ghét giận lại càng tăng thêm bấy nhiêu.

Theo cái tâm lý người Việt Nam, thì người ta ưa cái chính sách trong sạch ngay chính, không có phá bậy giết càn. Hễ người Pháp không hiểu chỗ ấy, thì bề ngoài thế nào mặc lòng, bề trong không ai phục, thì làm việc gì rồi cũng thất bại. Vì vậy cho nên việc người Pháp muốn đem lại sự hòa bình ở xứ Ðông Dương, mà cứ ngoắt ngoéo không cho nước Việt Nam độc lập và thống nhất, lại không thành thực thi hành những điều giao kết, thì khó lòng mà giải quyết được cái tình thế ngày nay.

Về phương diện chính trị của người Việt Nam thì chính phủ Việt Minh đã thất sách từ lúc đầu, chưa gì đã đem áp dụng cái chủ nghĩa cộng sản một cách đường đột quá, thành ra ở trong thì dân tình ta thán, mà ở ngoài thì không có ai muốn giúp đỡ. Trước thì họ trông cậy ở nước Nga và ở đảng cộng sản ở bên Pháp, sau thì nước Nga vì xa cách không giúp được họ việc gì, đảng cộng sản bên Pháp thất thế, thành ra mình cô lập, thế bất đắc dĩ nên phải lập ra mặt trận kháng chiến. Chính phủ Việt Minh tuy biết lợi dụng cái lòng ái quốc của quốc dân và nhờ có sự tổ chức chu đáo và sự tuyên truyền khôn khéo, nhưng vẫn không đủ sức để ngăn cản được sự tiến hành của quân địch. Cái chủ nghĩa cộng sản về đườn luận thuyết cũng có điều bảo thủ, như là muốn chữa những điều bất công trong xã hội, nhưng về đường kinh tế, thì lại áp chế quá, làm lắm điều hà khốc và dùng những thủ đoạn quỷ quyệt giả dối, khiến người ta mất lòng tin cậy. Ðem cái bất công bình nọ mà phá cái bất công bình kia thì dù có thắng lợi đi nữa, cũng không chắc đã vững bền.
Trong việc làm của Việt Minh cộng sản có hai điều trở ngại. Một là đem cái phương sách hành động ở các nước bạn tây phương sang thi hành ở Việt Nam, có nhiều điều không thích hợp với hoàn cảnh và tính tình của nhiều người trong nước cho nên thành ra có nhiều chỗ trái ngược. Ðó là một điều trở ngại khá lớn. Hai là vì cái vị trí nước Việt Nam ở trong cái phạm vi Anh Mỹ theo cái hiện tình bây giờ, thế nào người ta cũng không để đất này thành cộng hóa. Chỉ trừ khi nào trống mái rõ rệt, thì thiên hạ hoặc là đều bị cộng hóa cả, hoặc là đều sống ở trong cái chế độ tư bản cả. Lúc ấy dù muốn hay không cũng chẳng làm gì được. Trong khi hai cái lý tưởng còn đối lập, thì mình chưa sao thoát khỏi cái thế lực của Anh Mỹ. Như vậy mình cố chấp muốn cộng hóa, thì tất là chỉ có phần thiệt hại mà thôi, chứ khó lòng thành công được.

Ðã hay rằng đảng cộng sản có cái tính cách tôn giáo, phải mê và tin, tin là chỉ có mình là phải, còn người ta là sai lầm hết cả, song những người làm chính trị có quan hệ đến vận mệnh một nước, phải hiểu thời thế mà tùy cơ ứng biến. Theo ý tôi thì đó là chỗ những người cầm quyền trong đảng Việt Minh phải liệu mà hành động.

Dù hay dở thế nào mặc lòng, đảng Việt Minh đã có cái công lớn tổ chức được cuộc kháng chiến ấy mà nước Pháp phải cho nước Việt Nam được độc lập và thống nhất. Song trong cái tình thế quốc tế hiện thời, thì đảng Việt Minh chỉ làm được đến đấy thôi, không làm hơn được nữa. Nếu cố chấp muốn làm cho được như ý muốn thì chỉ làm khổ dân hại nước mà không chắc đạt được cái ý của họ. Vả cái mục đích ấy định đi đến đâủ Tại sao người mình đã phơi xương đổ máu trong sáu bảy mươi năm trời từ khi có cuộc bảo hộ của nước Pháp đến giờ? Có phải là tại người mình muốn sống cái đời sống tự chủ của mình, chứ không làm nô lệ ai không? Lẽ nào ta lại theo một cái lý tưởng chưa thực hiện được mà đem mình làm nô lệ một dân tộc khác. Dù ta có say mê một lý tưởng nào nữa, thì cũng nên đi từ từ để cho thời gian dũa mòn bớt góc cạnh có thể gây ra nhiều đau khổ. Ðời chưa đủ khổ hay sao, mà còn muốn gây thêm ra nữa.

Hiện nay đảng Việt Minh có nước cờ đáng rất cao, là tự mình lui bước đi, để cho đảng chân chính quốc gia đứng ra thực hiện sự độc lập và thống nhất của nước nhà, rồi lập thành một chính thể theo đúng cái nghĩa dân chủ đang thịnh hành ngày nay. Cho các đảng phái được công nhiên lấy nghĩa lý mà tranh đấu trên trường ngôn luận, nhưng không được dùng võ lực mà tranh quyền cướp thế. Làm được như thế, tất nhiên là họ giúp cho nước Việt Nam sẽ có cái địa vị rõ ràng trong quốc tế, không ai xâm phạm được nữa. Khi ấy mọi người trong nước phải quả quyết đi vào con đường kiến thiết, ai nấy đem hết tài lực của mình mà học tập và làm việc để đem nước đến cái trình độ cường thịnh như các nước khác.

Cứ như thiển kiến của tôi, thì đó là cái phương sách cứu nước rất ngay thẳng và có phần mau chóng hơn cả, không biết các bậc cao minh trong nước nghĩ sao?

Tôi đem cái ý kiến ấy mà phô bày ra đây, là theo cái tình thế hiện thực mà nói, chứ không phải là một điều mơ tưởng. Mà cũng không phải là tôi thiên vị chủ nghĩa nào, hay đảng phái nào, tôi đã nhứt quyết không mưu cầu danh lợi gì hết, chỉ mong người trong nước bỏ bớt cái lòng tư tâm tư lợi mà ra sức giúp cho nước nhà chóng được yên ổn và thịnh vượng, để cùng với thế giới đi lên con đường tiến bộ. Cũng bởi tấm lòng vì dân vì nước ấy và thấy khi quốc gia gian nan, không lẽ ngồi nhìn, nên tôi tự biết mình đã già yếu kém cỏi không làm gì được, nhưng ít ra cũng theo cái lương tâm mà đem những sự tôi đã biết và đã thấy mà phô bầy ra, để mọi người suy xét cho đúng sự thực. Dù ai có bảo đó là lời nói của một anh hủ nho, tôi cũng cam tâm mà tự cho mình đối với cái tâm của mình đã làm hết bổn phận làm người vậy.

- Hết -

Aucun commentaire: